Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 16/05/2024

Truyền thông thời… lá cải

25/08/2014 11:45 SA
Trong khi đó, ở Việt Nam, tờ báo điện tử Trí Thức Trẻ đã bị Bộ Thông tin - Truyền thông ra quyết định đình bản 3 tháng, phạt 207 triệu đồng do sai phạm khi đăng bài "Gái miền Tây và 3 chữ ‘N’ nổi danh thiên hạ”, rồi hàng loạt tờ báo khác moi móc đời tư những người nổi tiếng, từ "Vì sao Tăng Thanh Hà mãi vẫn chưa có con”, cho đến "Những người đẹp bán dâm bây giờ ra sao?”…

Lộ rõ khuynh hướng lá cải

Ở câu chuyện thứ nhất, đang dấy lên các ý kiến tranh luận trái chiều trên truyền thông thế giới về việc có lên chia sẻ hình ảnh quá đỗi man rợ về những giây phút cuối cùng của James Foley hay không? Có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải hạn chế sử dụng các hình ảnh, video hoặc âm thanh từ video xử tử Foley. Hãng tin CNN đã chọn lựa tiêu chí rõ ràng trong việc chia sẻ video trên. CNN cho biết, cái chết của Foley là một sự kiện lớn và hãng quyết định đăng những bức ảnh tác nghiệp của nhà báo này, cũng như phần âm thanh của video vì nó chứa những manh mối về kẻ hạ thủ anh. Trong khi đó, ông Alan Sunderland - Giám đốc chính sách biên tập của hãng tin ABC Australia nói: "Luôn cần thiết phải cân bằng giữa lợi ích chung với sự riêng tư của những người liên quan khi hé lộ những sự thật đáng lo ngại đang xảy ra trên thế giới”. Thậm chí Julian Clarke - Giám đốc News Corp Australia, một trong những công ty truyền thông lớn nhất nước này đưa ra những lý lẽ bảo vệ cho việc đăng tải các hình ảnh man rợ. "Đây là điều khủng khiếp nhất đang xảy ra ở thế giới của chúng ta, và việc che giấu sự thật dã man này tôi cho rằng không mang lại lợi ích cho ai cả”, ông nói. Ông Clarke nói thêm rằng việc cho các độc giả đang sống trong một nền dân chủ chứng kiến sự tương phản hoàn toàn này là rất quan trọng. Trong một bài phát biểu tại hội thảo vừa diễn ra ở Sydney, Bộ trưởng Truyền thông Australia Malcolm Turnbull cũng kêu gọi ngành công nghiệp báo chí phản ánh vụ sát hại tàn bạo Foley và cái giá đắt mà nhiều nhà báo phải trả để cung cấp thông tin cho mọi người, cũng như đảm bảo sự dân chủ của các quốc gia.

Còn câu chuyện thứ hai cho thấy, ở Việt Nam một thứ truyền thông lá cải đang ngày càng mọc lên nhan nhản, dù chẳng cần bất cứ trận mưa nào. Cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã khẳng định, trong xã hội ta không có báo lá cải. Chỉ có một số cơ quan báo chí trong một số thời kỳ không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến hiện tượng vi phạm. Hiện tượng đó là biểu hiện của khuynh hướng báo lá cải, chứ không phải là báo lá cải.

Và ở thời điểm này, người ta thấy rất rõ khuynh hướng báo lá cải đang nở rộ. "Gái miền Tây và 3 chữ "N” nổi danh thiên hạ” là một đỉnh điểm khiến Bộ phải ra tay xử phạt ngay và đình bản tắp lự. Tuy nhiên, ông Lê Như Tiến - đại biểu Quốc hội cho rằng, đừng để vi phạm nhiều rồi chạy theo xử phạt. Theo ông Tiến, vụ việc này một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về hoạt động của một số báo điện tử, trang thông tin điện tử thường xuyên đăng những tin, bài, ảnh mang tính chất "câu view” rẻ tiền. "Chúng tôi cho rằng, cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát, xử lý kịp thời và nghiêm khắc theo đúng quy định pháp luật đối với hiện tượng chạy theo thông tin giật gân mang tính chất phản cảm, bịa đặt, sai sự thật cốt để có nhiều người đọc mà bất chấp hệ quả tiêu cực của thông tin. Mặt khác, chúng ta cần trả lời được câu hỏi vì đâu mà hiện tượng một số tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử hoạt động theo kiểu "câu view” rẻ tiền lại "mọc” lên nhiều như vậy trong thời gian qua? Chúng tôi cho rằng, công tác quản lý hoạt động của báo điện tử, trang thông tin điện tử còn có chỗ lỏng lẻo. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhìn thẳng vào các nguyên nhân, chữa tận gốc vấn đề, tránh để cho vi phạm ngày càng nhiều hơn rồi lại chạy theo xử phạt”, ông Tiến nói.

"Trong xã hội ta không có báo lá cải. Song trên thực tế, có một số cơ quan báo chí, trong một số thời kỳ không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích dẫn đến hiện tượng vi phạm. Hiện tượng đó là biểu hiện của khuynh hướng báo lá cải, chứ không phải là báo lá cải"

Bộ trưởng Bộ Thông tin
và truyền thông Nguyễn Bắc Son
 
 
Phản biện xã hội là vẻ đẹp của nền báo chí khỏe mạnh
 
Còn nhớ, hồi tháng 6 vừa qua, Thanh tra Bộ VHTT&DL cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 website âm nhạc đăng tải hai ca khúc "Phiếu bé ngoan”, "Tan Ka Ka” (Ganja) có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, 4 website đó là: www.nhacvietplus.com. vn, www.nhaccuatui.com, www.mp3.zing.vn, www. nhacso.net. Nhưng xem ra xử phạt hay đình bản vẫn chưa đủ đối với căn tính của truyền thông Việt trong thời đại internet như hiện nay. Bởi sự quá đà dường như ngày càng tăng.
 
TS Nguyễn Thị Minh Thái trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Đại Đoàn Kết đã nhiều lần phải dùng từ "man rợ”, "đáng xấu hổ” khi nói về một bộ phận đáng kể của truyền thông trong thời gian này. Bà Thái cho rằng, nhìn qua các trang mạng sẽ thấy rất nhiều các tít bài giật gân câu khách. Vì thế, chúng ta đã và sẽ còn chứng kiến thêm một trong những thảm họa của truyền thông hiện đại, đó là thảm họa online! "Tôi cho rằng, để xuất hiện quá nhiều giá trị ảo như mọi người thấy trong thời gian qua, có lỗi từ các chủ thể truyền thông khi họ làm truyền thông theo lối a dua, thiếu vắng ý thức xây dựng, thiếu sự tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật đích thực. Đó là còn chưa kể một số khác làm truyền thông để trục lợi. Tôi lo ngại cho những người sử dụng phương tiện truyền thông. Bởi lẽ, theo đà nếu không chịu thay đổi cách thức truyền thông lá cải này, sẽ còn xảy ra bi kịch”, TS Minh Thái phân tích.
 
Chạy theo sự giật gân câu khách, bới móc đời tư người nổi tiếng, miệt thị phụ nữ miền Tây, bịa tạc xúc phạm đời tư người khác đang dần lộ rõ một khuynh hướng truyền thông lá cải. Trong khi đó, nhiệm vụ của báo chí là phải phản ánh mọi mặt vấn đề đời sống văn hóa, xã hội. Trong đó, báo chí phải biểu thị hai thái độ: một là, biểu dương những hiện tượng tốt để cổ súy cho xã hội phát triển lành mạnh, hai là phản biện xã hội. Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái, vẻ đẹp nhất của báo chí hiện đại chính là phản biện xã hội. "Xã hội Việt Nam hiện nay đang có nhiều lệch chuẩn, có quá nhiều vấn đề cần phải phản biện... Báo chí có trách nhiệm dọn dẹp những rác rưởi đó, bằng chính tư duy phản biện xã hội của mình”, TS Minh Thái nhấn mạnh.

Câu hỏi được đặt ra là vì sao gần đây xu hướng truyền thông lá cải lại ngày càng nở rộ hơn trước. Có phải chúng ta quá cởi mở trong việc cấp phép các trang báo mạng, và sự quản lý còn yếu kém? Bởi khi để tràn lan các trang blog luôn gây hoang mang dư luận, xâm phạm đời tư người khác lẫn các trang điện tử với những bài viết "câu view” rẻ tiền thì không thể không đặt ra ở đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước. Dư luận cũng rất đồng tình khi mà mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian tới sẽ phải nhắc nhở đối với các cơ quan báo chí để trước hết tự chấn chỉnh tình trạng này. Đồng thời, ông Tuấn cũng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Bộ rà soát, xem xét để xử lý nghiêm một số tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử thường xuyên đăng những bài báo mang tính chất "câu view” rẻ tiền. Ngoài ra, rất cần những cuộc xử lý mang tính chất vĩ mô may ra mới diệt được từ gốc khuynh hướng truyền thông lá cải đang làm băng hoại đời sống tinh thần xã hội.