Tràn lan game xuyên biên giới phát hành không phép ở Việt Nam

9/7/2020 10:20:00 AM

Môi trường Internet mở đem đến khả năng tiếp cận nội dung xuyên biên giới một cách dễ dàng đối với người Việt, mà trong số đó phải kể đến các game nước ngoài.


20200907-Nam-3.jpg
Các quán PS ở Việt Nam đang kinh doanh game không phép, nhưng người dùng cuối không quá bận tâm điều đó. 
 
Không phải đến tận bây giờ game nước ngoài mới tràn vào Việt Nam, nhưng sự chuyển dịch nền tảng thanh toán đã góp phần thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình này. Thật vậy, với sự phổ biến của các cổng và chợ game nước ngoài cùng sự nở rộ của ví điện tử (e-Wallet), người Việt chưa bao giờ tiếp cận dễ dàng các game xuyên biên giới nhanh đến vậy.
 
Các nhà phát hành game nước ngoài dường như cũng nhìn ra cơ hội ‘nghìn năm có một’ ở thị trường nước ta. Rất mau chóng, game xuyên biên giới tràn vào Việt Nam với hỗ trợ cả tiếng Việt lẫn các phương thức thanh toán nội địa, qua đó tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng với các nhà phát hành game trong nước. 
 
Muôn nẻo đường vào của các game xuyên biên giới
 
Trước đây, các game nước ngoài không phép muốn nhập khẩu Việt Nam phải đi ‘đường bộ’ và hoàn toàn không có cách nào tiếp cận trực tiếp người Việt mà không thông qua một đầu mối trung gian.
 
Giờ đây, người chơi chỉ cần một thiết bị kết nối Internet là đã có thể chơi bất kỳ game nào ngoài lãnh thổ nước ta, mà phần lớn được coi là các game không phép theo quy định của pháp luật Việt Nam. Điều 31 và 32 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đã quy định rất rõ về vấn đề này.
 
Cùng với sự phổ biến của mạng xã hội và các nền tảng nước ngoài, các game xuyên biên giới cũng nối gót tràn vào Việt Nam và trở thành các sản phẩm, dịch vụ chính yếu được người Việt sử dụng hàng ngày không khác gì YouTube, Facebook hay Google.
 
Khái niệm game nước ngoài có phép, tức các sản phẩm game nguồn gốc nước ngoài được mua bản quyền phát hành và xin giấy phép phê duyệt nội dung kịch bản G1 ở Việt Nam.
 
Ngoài ra còn có một khái niệm khác dễ gây nhầm lẫn và không được bàn đến trong phạm vi bài viết này là game lậu (pirated game). Thời điểm này thị trường game lậu ở Việt Nam đã thoái trào như ICTNews đã từng đề cập mới đây.
 
Vấn đề chính mà người dùng bận tâm là game đó có hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt hay không, có hỗ trợ thanh toán bằng những hình thức truyền thống như thẻ cào, thẻ game hay tài khoản ngân hàng nội địa không. 
 
Thậm chí, dù không thỏa mãn những điều kiện nêu trên, người Việt vẫn có thể lựa chọn chơi các sản phẩm nước ngoài bởi tiếng Anh hay thanh toán bằng thẻ hoặc tài khoản quốc tế đã không còn là rào cản quá lớn ở thời đại hội nhập. Trong khi đó, số lượng game đã cấp phép không thỏa mãn nhu cầu giải trí của tất cả người chơi Việt Nam. 
 
Nở rộ game không phép trên môi trường Internet
 
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy có 308 game được cấp phép và 95 game đóng cửa trong giai đoạn ba năm từ 2015 đến 2018. Không có số liệu mới nhất, nhưng giả sử mỗi năm tăng thêm ít nhất 100 game được cấp phép (chưa tính đóng cửa), con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với hơn 30.000 game không được cấp phép hiện có mặt trên chợ trực tuyến Steam.
 
Tương tự, các nền tảng như iOS, Android hay PC, console hiện nay đều có vô số chợ ứng dụng cung cấp game đa nền tảng, xuyên biên giới, mà các nhà phát hành trên những nền tảng này không cần xin phép cơ quan chức năng để được hoạt động ở Việt Nam.
 
Hệ quả là người chơi có thể dễ dàng tìm đến những game không phép trên Gameroom của Facebook, Play Store của Google hay App Store của Apple. Thuật toán cho phép các chợ hoặc cổng này hiển thị danh sách những game đông người chơi nhất hay trả tiền nhiều nhất, nhờ đó càng kích thích người Việt tham gia đua top. 
Đua top là một hoạt động ám chỉ việc người chơi tranh nhau vị trí dẫn đầu trong một trò chơi nào đó, thông qua các hình thức liên kết nhóm người Việt chơi với nhau hoặc nạp thật nhiều tiền để gia tăng sức mạnh cho nhân vật ảo. 
 
Đó là lý do nhiều game không phép như PUBG, Clash of Clan, Minecraft không hề suy giảm độ nóng, dù đã ra mắt trên thế giới từ rất lâu. Những game không phép khác cũng có thể vào Việt Nam theo cách thức tương tự này. 
 
Một lý do để game không phép ngày nay nở rộ nhiều, nhanh và mạnh hơn ở Việt Nam, đó là sự hỗ trợ từ những phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, như cổng thanh toán hoặc ví điện tử.
 
Với cổng thanh toán, người dùng có thể mua thẻ cào từ nhà mạng viễn thông hoặc thẻ game từ nhà phát hành trong nước rồi nạp vào tài khoản trên cổng thanh toán đó. Sau đó, tài khoản này có thể dùng để mua game hoặc mua vật phẩm ảo trong game. Hạn chế ở đây là tính bất tiện, mệnh giá thẻ cào có tối đa và khó để nạp nhanh trong thời gian ngắn.
 
Phương thức thanh toán rườm rà này tuy nhiên hiện đã bị thay thế bởi ví điện tử. Người dùng chỉ việc liên kết tài khoản ngân hàng nội địa với các ví điện tử là đã có thể sử dụng cho các giao dịch trong game không phép một cách không hạn chế. Việc định danh tài khoản theo quy định ở Thông tư 23/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng không khiến cho người chơi gặp nhiều khó khăn.
 
Các ví điện tử phổ biến của Việt Nam như Momo, Zalo Pay hay VTC Pay đều đang hỗ trợ thanh toán cho các cổng hoặc chợ game nước ngoài không phép nói trên. Tuy nhiên, hành lang pháp lý trong việc quản lý ví điện tử nói riêng và dịch vụ trung gian thanh toán nói chung vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc ngắt nguồn thu của các game không phép xuyên biên giới này. 
 
Đấy là chưa kể những ví điện tử nổi tiếng thế giới như PayPal hiện vẫn đang nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước ta, dù hoàn toàn có thể sử dụng để mua game, nạp tiền in-game ở Việt Nam thông qua liên kết với tài khoản ngân hàng trong nước. Tương lai những loại ví tương tự như Amazon Pay hay Facebook Pay mở rộng phạm vi thanh toán (game, phim ảnh, e-commerce) và hỗ trợ khu vực Việt Nam là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 
 
Đây là lý do khiến cơ quan quản lý đã, đang và sẽ gặp khó trong việc xử phạt hoặc yêu cầu tạm ngừng hỗ trợ thanh toán cho game không phép nước ngoài. Chỉ khi nào một sản phẩm game không phép bị cơ quan chức năng đánh sập theo các quy định đã có, các dịch vụ trung gian thanh toán này mới dừng hoạt động theo. 
Hiện một số chợ hoặc game nước ngoài hoàn toàn không hỗ trợ giao dịch ở Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy không phải đơn vị nước ngoài nào cũng vi phạm pháp luật Việt Nam. 
 
Tuy nhiên, con số vô cùng nhỏ nhoi này cho thấy công tác quản lý cần phải mạnh tay và triệt để hơn nữa mới có thể ngăn ngừa và giảm bớt tác hại của các game không phép độc hại đang tràn vào thị trường game Việt. 
 

Phương Nghuyễn (Vietnamnet)