Phát triển 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia

2/4/2020 1:37:00 PM

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển 5G “có ý nghĩa chiến lược quốc gia” và yêu cầu Bộ thông tin và Truyền thông tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất thiết bị 5G. Cùng với đó là cần có chính sách thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của toàn cầu vào Việt Nam...


20200204-Nam-2.jpg
Lãnh đạo tập đoàn Viettel giới thiệu với các đại biểu về công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G.
 
Theo các chuyên gia, chipset (bộ vi xử lý) được coi là thiết bị quan trọng nhất của mạng 5G, doanh nghiệp Việt Nam nào nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thành công thiết bị này sẽ làm chủ cuộc chơi 5G. Không những vậy, lợi ích  từ việc sản xuất thiết bị 5G sẽ tạo ra vô cùng lớn. Ngày 17-1 vừa qua một tin vui cho ngành công nghệ Việt Nam là Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G Make in VietNam, Made By Viettel. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.
 
Đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G. Như vậy, sau 8 tháng kể từ ngày Viettel - nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5-2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di động của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm, nhằm tạo ra những trải nghiệm 5G tốt nhất cho khách hàng. Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho rằng, 5G sẽ là quyết định sự thành công của xã hội số. Tất cả các quốc gia đều dùng 5G này để chứng minh trình độ KH&CN của mình. Chính vì vậy chúng tôi xác định dự án 5G coi như là 1 dự án chiến lược nhất của Viettel.
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đến lúc này, tôi có niềm tin khá vững chắc tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong kỳ họp quốc hội vừa rồi rằng, năm 2020 Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam. Hôm nay chúng ta có niềm tin đó. Với những gì Viettel đã làm được, dân tộc ta có thể tự hào rằng Việt Nam sánh bước với những quốc gia hàng đầu thế giới.
 
Cũng như các doanh nghiệp khác, hiện tại, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đang bắt đầu nghiên cứu, tiếp cận chuẩn bị cho mạng 5G từ rất sớm. Bước đầu, VNPT tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường hợp tác với nhiều đối tác công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng nguồn nhân lực, nhằm làm chủ và tham gia hệ sinh thái 5G.
 
Ông Phạm Đức Long, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VNPT chia sẻ, VNPT xây dựng kế hoạch sản xuất các thiết bị mạng 5G, trong đó có thiết bị small cell để từng bước làm chủ trong mảng này giống như đã làm đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định trước đây. Tuy nhiên, chỉ thiết bị nào có số lượng đặt hàng lớn, thì VNPT sẽ chủ động làm, thậm chí xây dựng nhà máy sản xuất. 
 
Trong đó, VNPT cung cấp data (dữ liệu) 5G với tốc độ cao, đưa các gói dịch vụ truyền hình, video 4K/8K; vô tuyến cố định (FWA) cho doanh nghiệp, hộ gia đình tại những nơi không có cáp quang. Đặc biệt, VNPT cung cấp các dịch vụ thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) - giúp ngồi ở chỗ khác vẫn xem được các sự kiện đang diễn ra như thật; đường truyền 5G phục vụ truyền hình, phát sóng trực tiếp.
 
Mới đây nhất, Vingroup cho biết đang nghiên cứu sản xuất điện thoại đầu cuối 5G. Để chuẩn bị cho chiến lược này, Dự kiến, đến tháng 7-2020, sẽ ra mắt sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên; đến tháng 8-2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. VinSmart đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G.
 
Công nghệ 5G sẽ tạo ra những thay đổi căn bản ở nhiều ngành công nghiệp và cũng tạo ra một ngành công nghiệp mới, cũng như kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành, nghề... Ngoài ra, 5G còn thúc đẩy tích hợp dữ liệu, dịch vụ, kết nối nhiều giải pháp khác nhau từ các doanh nghiệp, start-up trong mạng lưới chính phủ số. Vì vậy, mảng sản xuất thiết bị hạ tầng, các ứng dụng, dịch vụ cho công nghệ 5G là thị trường vô cùng rộng lớn và tạo ra nhiều lợi ích kinh tế. Đây chính là lý do để các doanh nghiệp như Viettel, VNPT, Vingroup đầu tư nguồn lực sản xuất thiết bị 5G. Hy vọng năm 2020, cùng với Viettel, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ tự nghiên cứu, sản xuất, làm chủ và thậm chí xuất khẩu thành công thiết bị 5G ra nước ngoài.
 
Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất  thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng. Viettel đặt mục tiêu đến 6-2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6-2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Viettel sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “Hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam.
 
“Việc làm ra được đã khó, nhưng phải có người dùng nữa. Hiện nay, Việt Nam đã có sản phẩm không thua các hãng dẫn đầu trên thế giới. Tôi đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng các sản phẩm Việt Nam đã làm được”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết.
 
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, chúng tôi rất vui khi Viettel là công ty thứ 6 trên thế giới có cơ hội bắt đầu thương mại hóa 5G, đi cùng với việc chính thức tiêu chuẩn hóa của ITU. Đây là cơ hội rất hiếm, tạo nền tảng R&D của Việt Nam phát triển tiếp.
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật, hạ tầng quan trọng nhất của CMCN 4.0. Việt Nam muốn đi đầu về CMCN 4.0 thì mạng 5G phải đi trước. Mạng lưới phải có trước, hạ tầng kết nối phải có trước, đầu tư trước kinh doanh sau, đây phải là triết lý kinh doanh của tất cả các nhà mạng. Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ TT&TT hướng tới mục tiêu mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất trên thế giới. 
 
- Năm 2019, Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone); chủ trương xem xét cấp phép chính thức 5G cho các doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu trong khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G. 
- Chiều 20-1-2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp Đoàn Nghị sĩ Hoa Kỳ do Hạ Nghị sĩ Seth Moulton, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách, Ủy viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Hoa Kỳ làm trưởng đoàn đến thăm Bộ TT&TT. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất phía Hoa Kỳ cử đầu mối cùng bàn thảo với Việt Nam về việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật an ninh mạng cho thiết bị 5G và kiểm định các thiết bị 5G do Việt Nam sản xuất có đủ khả năng vào thị trường Mỹ hay không.
 

Văn Phong (qdnd.vn)