Bí quyết vượt qua sự suy giảm của dịch vụ viễn thông truyền thống

1/17/2020 9:58:00 AM

Sự suy giảm về doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống đang là thách thức lớn của các nhà mạng. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để nhiều dịch vụ hội tụ số, đa tiện ích được VNPT nghiên cứu, triển khai cung cấp ra thị trường, nhận được sự đón nhận của người dùng...


20200117-Nam-5.jpg
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nền tảng, tập trung nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số nội bộ và tăng trưởng thị trường dịch vụ số doanh nghiệp, đặc biệt là thông qua việc dẫn dắt các chương trình số hóa Quốc gia là mục tiêu mà Tập đoàn VNPT đã, đang và tiếp tục triển khai. Trong năm 2019, VNPT đã nỗ lực để củng cố và cải thiện thị phần mảng kinh doanh các dịch vụ viễn thông truyền thống, đồng thời phát triển tiêu dùng số bằng cách tích hợp và hội tụ các dịch vụ cố định, di động và truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó, chiến lược tham gia lĩnh vực Tài chính số (Fintech), với vai trò là dịch vụ số mới của VNPT mang đến tiện ích thanh toán trên môi trường điện tử ở cả mảng dịch vụ số cá nhân và dịch vụ số doanh nghiệp.
 
Tiếp cận chiến lược dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số quốc gia, VNPT đang tham gia thiết lập các hạ tầng số, xây dựng các nền tảng số có phạm vi ứng dụng ở quy mô Quốc gia. Cụ thể, việc xây dựng chính phủ điện tử có vai trò và sự đóng góp rất lớn của các nền tảng, dịch vụ cốt lõi do VNPT phát triển. Điển hình là hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia, Trung tâm điều hành thông minh IOC, Hệ thống định danh xác thực điện tử, Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT-iLIS, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin điều hành Y tế, Bệnh án điện tử...
 
Các giải giải pháp về quản trị doanh nghiệp, kế toán, quản lý bán lẻ, vận tải,… trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, an ninh mạng và điện toán đám mây, của VNPT đã thâm nhập trên 50% các doanh nghiệp quy mô lớn nhỏ ở hầu hết các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, bán lẻ, logistic… mang lại những cải biến tích cực về kinh doanh và tối ưu các nguồn lực.
 
Đối với dịch vụ số cá nhân, VNPT đã đưa vào cung cấp trên 50 dịch vụ mới thuộc các nhóm Quảng cáo số, truyền hình trả tiền, tài chính số, M2M/IoT, Multimedia. Nguồn doanh thu mới phát sinh từ các mảng dịch vụ trên VASCloud, dịch vụ Game, Fintech bước đầu đã có kết quả ấn tượng. Với dịch vụ Mobile Money, VNPT cũng hoàn thành đề án triển khai thí điểm trình Ngân hàng Nhà nước, đồng trình đề án triển khai dịch vụ chuyển tiền hợp tác với ngân hàng BIDV…
 
Trước xu hướng cạnh tranh khốc liệt về giá cước của từng dịch vụ riêng lẻ, năm 2019, VNPT đã tạo bước đột phá trong việc phát hành gói cước Combo (bao gồm 3 dịch vụ: di động, băng rộng, MyTV) phù hợp với nhu cầu, hành vi tiêu dùng của từng nhóm đối tượng, dựa theo phân khúc khách hàng.
 
Việc thiết kế sản phẩm hướng tích hợp dịch vụ nội dung trong các sản phẩm dịch vụ di động như MyTV Net, HeyZalo giúp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường di động, thu hút khách hàng mới, thâm canh trên tập khách hàng hiện hữu. Dịch vụ MyTV có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới, tăng 210% so với năm 2018.
20200117-Nam-6.jpg
Việc thiết kế sản phẩm hướng tích hợp dịch vụ nội dung đã giúp dịch vụ MyTV có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới,
 
Trong lĩnh vực sản phẩm dịch vụ số doanh nghiệp, VNPT ngày càng chiếm lĩnh được thị phần lớn trong mảng dịch vụ CNTT cho Chính quyền. Các sản phẩm dịch vụ CNTT của VNPT đã hiện diện tại 55 tỉnh/Thành phố. Phần mềm VNPT-iOffice đã triển khai cho hơn 4 ngàn đơn vị sử dụng, số lượng cơ quan cấp tỉnh tăng 59%, cấp huyện tăng 28%; Phần mềm VNPT-iGate đã triển khai trên địa bàn 36 tỉnh, số lượng cơ quan cấp tỉnh tăng 24%; Phần mềm VNPT-eCabinet - Giải pháp phòng họp không giấy tờ, đã triển khai chính thức cho cho 29 đơn vị (UBND TP. HCM, Quận 11…), 275 đơn vị thử nghiệm tại 62/63 tỉnh/Thành phố…
 
Triển khai VNPT-HIS cho 7.208 cơ sở y tế; dịch vụ chia sẻ xét nghiệm VNPT-LIS triển khai cho 1.236 cơ sở (tăng 35%); dịch vụ vnEdu đã tiếp cận 63/63 tỉnh/thành phố, có 12.185 trường học sử dụng, 6,2 triệu hồ sơ học sinh, gần 500 nghìn hồ sơ giáo viên, doanh thu dịch vụ vnEdu tăng 34%. Đối với dịch vụ dành cho khách hàng SMEs đạt nhiều kết quả nổi bật: dịch vụ Pharmacy triển khai chính thức 4.446 nhà thuốc (tăng 29 lần), thử nghiệm 6.733 nhà thuốc; dịch vụ hóa đơn điện tử đạt doanh thu 78,24 tỷ đồng, tăng trưởng 174,5% so với năm 2018.
 
Để tiếp tục vượt qua thách thức suy giảm của các dịch vụ truyền thông, trong năm 2020, VNPT sẽ tập trung tăng số lượng khách hàng PSC Data để bù đắp cho xu hướng suy giảm của dịch vụ thoại, SMS trong lĩnh vực di động; phát triển hệ sinh thái dịch vụ số VNPT Digital Ecosystem; Đẩy mạnh phát triển gói Home Combo, gia tăng Arpu trên tập khách hàng hiện hữu đối với dịch vụ viễn thông truyền thống; duy trì tăng trưởng dịch vụ băng rộng. Việc tập trung phát triển các dịch vụ tài chính số nhằm đem lại tiện ích cho khách hàng cũng được kỳ vọng sẽ bù đắp sự sụt giảm doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống.
 

Hiền Mai (VnMedia)