Việt Nam sẽ khẳng định vị thế trong công tác đảm bảo ATTT

1/16/2020 11:49:00 AM

Mặc dù đã có chuyển biến tích cực về đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) nhưng Việt Nam vẫn phải bổ sung, hoàn thiện chính sách cũng như các công cụ hữu dụng để bảo vệ an toàn không gian mạng.


20200116-Nam-12_1.jpg
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục ATTT, phát biểu tại Hội nghị
Có chuyển biến rõ rệt trong đảm bảo ATTT
 
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020 của khối ATTT thuộc Bộ TTTT vừa diễn ra mới đây, Phó Cục trưởng Cục ATTT Hoàng Minh Tiến cho biết: Một điểm nhấn của lĩnh vực ATTT mạng năm 2019 là lần đầu tiên Việt Nam được Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) đánh giá vào nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có độ cam kết cao về an toàn, an ninh mạng, xếp hạng thứ 50/175 trong 194 quốc gia vùng lãnh thổ được đánh giá. Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2017.  
“Mặc dù xếp hạng nào cũng chỉ mang tính tương đối, tuy nhiên đây vẫn là thước đo quan trọng để cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận, đánh giá về môi trường không gian mạng Việt Nam theo chiều hướng tích cực”, ông Tiến chia sẻ.
 
Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng nhận định: Với VNCERT, sau 15 năm thành lập và phát triển, đến nay Trung tâm đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. “Việc tổ chức lại thành công Cục ATTT thời gian vừa qua là nhờ có tinh thần hy sinh và sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các lãnh đạo, các cán bộ chủ chốt cũng như cán bộ, nhân viên VNCERT”.
 
Mạng lưới các đơn vị chuyên trách về ATTT và ứng cứu sự cố đã có sự tham gia của 174 thành viên, trong đó bao gồm một số cơ quan của Đảng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tinh, thành phố trực thuộc Trung ương, 27 tập doàn, tổng công ty, DN viễn thông Internet, 17 DN, đơn vị trọng yếu và 32 đơn vị tự nguyện.
 
Tăng cường giám sát an ninh mạng và gỡ mã độc
 
Để bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia, Cục ATTT đã giám sát ATTT trên không gian mạng Việt Nam, trong đó giám sát gián tiếp (từ xa) cho 85 cơ quan, tổ chức gồm 14 bộ, ngành, 63 địa phương, 08 tổ chức khác; giám sát trực tiếp (đặt thiết bị quan trắc cơ sở) cho 23 điểm cho 15 cơ quan, tổ chức. Có 31 bộ, ngành, địa phương đã kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Hệ thống phòng chống mã độc tập trung có thể hỗ trợ giám sát mã độc cho 42.990 máy tính của các cơ quan này.
 
Trong năm 2019, hệ thống của Cục đã ghi nhận 5.202 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (1434 cuộc Deface, 579 cuộc Malware, 3.189 cuộc Phishing), tăng 36% so với tháng 8/2019, giảm 50,18% so với năm 2018.
 
Số lượng địa chỉ IP của Việt Nam năm trong các mạng máy tính ma trong năm 2019 khoảng 6,5 triệu địa chỉ, giảm 9% với năm 2018.
 
Công tác ngăn chặn thư điện tử rác, tin nhắn rác cũng được đẩy mạnh. Trong năm, Cục tiếp nhận khoảng 47 nghìn lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 14,4% so với năm 2018. Trong đó: Vinaphone chiếm 43%, giảm 26% so với 2018; Mobifone chiếm 16%, giảm 33% so với 2018; Viettel chiếm 13%, giảm 49% so với 2018; Vietnamobile chiếm 27%, tăng 4,7 lần so với 2018.
 
Cục đã điều phối tới 31 ISP yêu cầu ngăn chặn, xử lý, làm sạch 375.156 địa chỉ IP đang phát tán hoặc bị lạm dụng phát tán thư điện tử rác. Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu tập mẫu dùng chung về tin nhắn rác dã có gần 300 nghìn mẫu dùng chung giúp cho các hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng liên tục cập nhật; tăng cường khả năng chặn lọc tin nhắn rác được tốt hơn.
 
Các nhà mạng chặn khoảng 185 triệu tin nhắn rác. Trong đó: Viettel 95 triệu tin, tăng 15% so với 2018; Vinaphone 33 triệu tin, tăng 23% so với 2018; Mobifone 25 triệu tin, tăng 34% so với 2018; Vietnamobile 33 triệu tin, tăng 2,2 lần so với 2018.
 
Đặc biệt, trong năm 2019, Liên minh Xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng đã được thành lập. Cục là đầu mối đứng ra tổ chức và triển khai các chiến dịch rà quét, bóc gỡ mã độc trên diện rộng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chỉ đạo các DN viễn thông, Internet phát hiện, ngăn chặn phát tán, lây nhiễm và điều khiển mã độc từ nguồn.
 
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam”
 
Báo cáo kết quả công tác năm 2019 của khối ATTT cho hay, thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng Việt Nam, trong năm 2019, Bộ TTTT đã cấp mới giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng cho 38 DN, nâng tổng số DN đã được cấp phép lên 84 (04 tập đoàn nhà nước, 54 công ty cổ phần và 26 công ty TNHH), tăng 82,6% so với năm 2018 (46 DN).
 
Trong đó, cụ thể, 67 DN được cấp phép nhập khẩu sản phẩm; 12 DN được cấp phép sản xuất sản phẩm và 56 DN được cấp phép cung cấp dịch vụ; 55 DN có trụ sở tại TP. Hà Nội, 28 DN có trụ sở tại TP.HCM và 01 DN tại Hải Phòng.
 
Tổng số sản phẩm ATTT nội địa đến nay là 52 sản phẩm, tăng hơn 100% so với năm 2018 và tăng trên 200% so với năm 2017. Trong đó có những sản phẩm phòng chống mã độc đã được Bộ TTTT công bố đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Chỉ thị số 14/CT-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ (06 sản phẩm) và các sản phẩm được Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) đánh giá là sản phẩm ATTT chất lượng cao và đã được triển khai tập trung rất nhiều tỉnh, bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
 
Tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ mới
 
Năm 2020, Cục sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hướng dẫn, bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Chính phủ điện tử (CPĐT). Đồng thời, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công tác kiểm tra, triển khai tuân thủ quy định pháp luật trong các hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng.
 
20200116-Nam-13.jpg
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng chụp ảnh cùng CBCNV Cục ATTT
 
Thúc đẩy không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh, rộng khắp, Cục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI, dữ liệu lớn để liên tục theo dõi, phát hiện, phân loại, ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài tuân thủ đầy đủ luật pháp của Việt Nam trong việc gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, giả mạo trên không gian mạng.
 
Tổ chức giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT (Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, Hệ thống NGSP, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống e-cabinet, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia).
 
Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cơ quan trọng yếu, lĩnh vực quan trọng. Không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn, an ninh mạng. Kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ ATTT mạng, chứng thực chữ ký số công cộng của các tổ chức cung cấp dịch vụ được cấp giấy phép.
 
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Đại hội đảng các cấp và các sự kiện quan trọng của đất nước.
 
Tiếp tục tổ chức các Chiến dịch rà quét, xử lý mã độc trên diện rộng; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đẩy mạnh kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin về tấn công mạng, mã độc giữa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Hình thành Mạng lưới quốc gia về giám sát, cảnh báo sớm, hỗ trợ xử lý mã độc và tấn công mạng.
 
Đặc biệt, trong năm 2020 Cục ATTT sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong quá trình cung cấp thông tin phục vụ khảo sát, đánh giá chỉ số an toàn an ninh mạng lần thứ tư trên tinh thần là làm sao mà tiếp tục đưa Việt Nam nâng hạng trên bảng xếp hạng. Cục sẽ cùng với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) thực hiện khai thác hạ tầng ATTT phục vụ dịch vụ chứng thực chữ ký số và xác thực điện tử, kiện toàn bộ máy và thực thi pháp luật về ATTT mạng.
 

Minh Thiện (ictvietnam.vn)