Thông điệp truyền thông chính sách trên báo mạng điện tử của TP. Hà Nội

11/5/2019 2:31:00 PM

Truyền thông chính sách ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong bối cảnh đất nước cũng như Thủ đô Hà Nội có những bước phát triển mạnh mẽ.


20191105-Nam-14.jpg
Truyền thông chính sách của báo chí giúp truyên truyền, đưa thông tin, để người dân và dư luận xã hội biết và hiểu về chính sách mới. Ảnh: Zing
Tác động trong môi trường truyền thông số
 
Hà Nội là một trong số ít Thủ đô trên thế giới có bề dày lịch sử và sự phát triển phong phú. Sau khi thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa 12 về điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố (TP), với quy mô diện tích 3.344,7 km2 (tăng 3,62 lần), dân số tăng gấp 1,5 lần (hiện nay là 7,65 triệu người), diện mạo của Thủ đô chuyển biến tích cực và vị thế của Hà Nội được nâng lên một tầm cao mới.
 
Hà Nội đang tiến hành xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo hướng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Đồng thời, hội tụ đầy đủ các tiềm năng, điều kiện thuận lợi để thực hiện tái cơ cấu không gian kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện, nhanh và bền vững. Để làm được điều đó, Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn của Trung ương cũng như của chính Hà Nội, nhằm tạo sự đột phá về tăng trưởng trong tất cả các lĩnh vực.
Trong bối cảnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, trong đó có truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển trên mọi lĩnh vực của Hà Nội. Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên số và cách mạng công nghiệp 4.0, báo mạng điện tử đã chứng minh được tính vượt trội bởi sức mạnh lan tỏa và tính kết nối không giới hạn, cho thấy tốc độ thông tin nhanh và hữu hiệu của nó hơn bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào hiện nay.
 
Tuy vậy, trong môi trường truyền thông số cũng tạo những thách thức không nhỏ cho công tác truyền thông chính sách. Việc có quá nhiều luồng thông tin trong truyền thông xã hội bao gồm có những ý kiến đồng thuận, đóng góp, phản biện, thậm chí là lợi dụng để kích động, gây bất ổn xã hội... đòi hỏi các kênh thông tin chính thống như báo chí phải nhanh nhẹn, nắm bắt kịp thời dư luận và có định hướng thông tin đúng đắn.
 
Trong “cuộc đua” giữa báo mạng điện tử và mạng xã hội, báo chí cần đủ mạnh để sàng lọc thông tin, làm cân bằng dòng chảy thông tin đôi lúc rất nhạy cảm trên mạng xã hội. Do đó, Hà Nội ngày một quan tâm đúng mức đối với việc xây dựng thông điệp và chiến lược truyền thông chính sách thông qua kênh báo chí, nhất là trên báo mạng điện tử.
 
Để chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống cần nhiều yếu tố tác động, trong đó, truyền thông phải tận dụng thế mạnh, giúp nhân dân biết, hiểu và đồng thuận với chính sách đó. Xây dựng thông điệp truyền thông chính sách thế nào để đạt hiệu quả trên báo mạng điện tử của Thành phố Hà Nội sẽ phần nào làm rõ hơn về vai trò của truyền thông trong xã hội thông tin hiện nay.
 
Vai trò của truyền thông chính sách

 

 

 

 

Chính sách (hay còn gọi là chính sách công) là vấn đề quan trọng hàng đầu, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia cũng như với từng địa phương cụ thể. Chính sách công được định nghĩa là một tập hợp các quyết định chính trị có liên quan nhằm lựa chọn mục tiêu và giải pháp, công cụ thực hiện giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội theo mục tiêu tổng thể đã xác định. Việc xây dựng, hoạch định chính sách, công bố chính sách tới người dân, thực thi như thế nào liên quan nhiều tới công tác truyền thông chính sách.
 
Bản thân chính sách công rất phức tạp từ hệ thống đến sự tham gia của các chủ thể chính sách. Trên cơ sở đó, có thể tạm định nghĩa: Truyền thông chính sách là quá trình chia sẻ, tương tác xã hội để thông tin chính sách từ chủ thể hoạch định, xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách đến các chủ thể chính sách khác nhằm tăng cường sự hiểu biết, nhận thức và thay đổi hành vi của các chủ thể chính sách để đạt mục tiêu chính sách.
 
Truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng đối với mỗi khâu của chu trình chính sách công. Khâu hoạch định chính sách, truyền thông chính sách giúp xác định được đúng và trúng vấn đề chính sách, bảo đảm sự đồng thuận xã hội. Trong khâu xây dựng chính sách, truyền thông chính sách giúp quá trình lựa chọn giải pháp công cụ chính sách phù hợp. Trong khâu thực hiện chính sách, truyền thông chính sách giúp việc giám sát chính sách công được thực hiện với sự tham gia của cả xã hội. Khâu đánh giá truyền thông chính sách giúp làm rõ được kết quả chính sách, đồng thời tuyên truyền cho kết quả chính sách, giúp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách.
 
Một số yêu cầu đặt ra
 
Một là, thông điệp truyền thông chính sách phải phù hợp với công chúng - nhóm đối tượng và thể hiện rõ mục tiêu của chiến dịch truyền thông chính sách. Truyền thông chính sách của báo chí giúp truyên truyền, đưa thông tin, để người dân và dư luận xã hội biết và hiểu về chính sách mới. Từ đó, giúp tạo đồng thuận xã hội, đạt hiệu quả cao trong thực hiện các chính sách đó. Vì thế, thông điệp truyền thông chính sách phải rõ, ngắn gọn, dễ hiểu để công chúng dù là ai cũng có thể nắm được một cách cơ bản.

 

 

 

 

Báo Kinh tế và Đô thị (kinhtedothi.vn) đã xây dựng chuyên mục “Cải cách hành chính” và đã có nhiều bài viết trong chuyên mục này để nêu rõ thông điệp trên của chính quyền TP, thể hiện mong muốn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các đề nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.
 
Hai là, thông điệp phải phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc. Có thể thấy, thông qua kênh báo mạng điện tử, các cơ quan báo chí Hà Nội đã thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác các vấn đề của Hà Nội. Từ việc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội... đến việc phản ánh toàn diện bức tranh sinh động đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô và đất nước.
 
Để đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội giảm xuống còn 1,2%, Hà Nội đã triển khai kế hoạch xây mới, sửa chữa hơn 4.100 nhà cho hộ nghèo và dự kiến hoàn thành trước 17/10/2018. Đây là một trong những chính sách cụ thể hóa thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, đã được báo chí T.Ư và Hà Nội tích cực thông tin đến công chúng.
 
Ba là, thông điệp phải phù hợp với các quy tắc và giá trị xã hội, với văn hóa - lối sống dân tộc và phát triển. Ngoài ra, thông điệp còn phải phù hợp với tâm lý, tâm trạng xã hội và thể hiện lợi ích của công chúng. Truyền thông chính sách qua báo chí không chỉ giúp người dân biết và hiểu về chính sách, mà báo chí là kênh thông tin hữu hiệu nhất để người dân phản hồi về chính sách mới, phản hồi những bất cập của những chính sách đang thực hiện đến cơ quan chức năng.
 
Điển hình như sau khi đã xem xét, cân nhắc thận trọng những phản ánh của báo chí chủ yếu thông qua kênh báo mạng điện tử, lãnh đạo Hà Nội đã quyết định hoặc điều chỉnh, hoặc hủy bỏ một số dự án không còn phù hợp gây bức xúc dư luận như dự án Khách sạn SAS trong khuôn viên Công viên Thống Nhất, dự án xây cao ốc tại khu vực Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, dự án xây dựng Trung tâm Thương mại - Dịch vụ ở đường 19-12...
 
Ngoài ra, báo chí vừa là đại diện của người dân để phản biện chính sách, vừa phản biện lại những luận điệu sai trái của một số người chưa hiểu biết về chính sách. Xung quanh vụ việc diễn ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vào năm 2017, trên các trang báo mạng điện tử của TP Hà Nội như Hà Nội Mới, Kinh tế và Đô thị, An ninh Thủ đô... đã đăng tải thông tin chính xác, kịp thời với nguồn tin chính thống, góp phần quan trọng cung cấp thông tin và định hướng dư luận.
 
Bốn là, dựa trên những đặc trưng và lợi thế của báo mạng điện tử để xây dựng thông điệp ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ làm theo. Trên báo mạng điện tử, với lợi thế về kỹ thuật và không gian thể hiện thông tin, khai thác sử dụng thông tin đồ họa (Infographic), video, clip, phóng sự ảnh sẽ là cách để tác động nhanh nhất và trực tiếp nhất đến công chúng. Đây không phải là cách làm mới trên thế giới, thế nhưng với báo chí Việt Nam chỉ có một số báo mạng điện tử như Thông tấn xã Việt Nam (vnanet.vn), Tuổi trẻ (tuoitre.vn), Vnexpress (vnexpress.net), Zing (zing.vn)... là có kỹ thuật làm tốt nội dung này.
 
Một điểm nữa cần phải lưu ý trong xây dựng thông điệp truyền thông chính sách trên báo mạng điện tử đó là thời điểm và tần suất xuất hiện thông điệp. Điển hình như tình hình ngập úng tại Chương Mỹ trong đợt cuối tháng 7/2018. Chương Mỹ là vùng thoát lũ đã được xác định trong quy hoạch phân lũ của Hà Nội. Nếu báo chí chỉ phản ánh cuộc sống của bà con vùng thoát lũ với tần suất thông tin lớn, với thông điệp như “dân Chương Mỹ khốn khổ vì ngập lụt”... sẽ khiến một bộ phận dư luận không hiểu chính sách, cho rằng Hà Nội bỏ rơi bà con huyện Chương Mỹ. Vì thế, báo chí cần phải truyền thông để nhân dân cả nước hiểu rằng, Hà Nội đang có nhiều chính sách để tìm giải pháp để cải thiện đời sống cho người dân cho vùng phân lũ, chứ không phải thờ ơ với bà con...
 
Thực tế cho thấy, nếu Hà Nội xem nhẹ tầm quan trọng những thông điệp truyền thông trong truyền thông chính sách, những hậu quả dẫn tới khủng hoảng truyền thông, gây bất ổn xã hội sẽ khôn lường ra sao. Khủng hoảng truyền thông về chuyện “thay thế cải tạo cây xanh Hà Nội” trong mấy tháng đầu năm 2015, với đỉnh điểm là câu “chặt cây không phải hỏi dân” đã đốt nóng dư luận cả nước. Đây là một bài học đau đớn và thấm thía cho những người làm công tác truyền thông chính sách tại Hà Nội.
 
Có thể nói, sự tham gia của truyền thông chính sách một mặt bảo đảm cho sự thành công của chính sách, mặt khác giúp cho chính sách ngày một được hoàn thiện hơn.
 
Tuy nhiên, cơ quan ban hành chính sách cũng cần lưu ý một số điểm sau:
 
Thứ nhất, để người dân có thể biết và hiểu chính sách một cách đúng đắn nhất, cần xây dựng thông điệp truyền thông rõ ràng, ngắn gọn, trực tiếp, dễ hiểu thông qua kênh báo mạng điện tử. Điều này đòi hỏi tính chuyên nghiệp của đội ngũ những người làm công tác truyền thông, trong đó có nhà báo.
 
Bên cạnh đó, cần quan tâm vấn đề đạo đức nghề nghiệp, tránh trường hợp “sáng đăng, chiều gỡ”. Nguy hại hơn, nếu nhà báo cẩu thả, không có trách nhiệm với thông tin mình đưa ra hoặc bản lĩnh chính trị không vững vàng, rất có thể những thông tin về chính sách mà nhà báo đưa ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận, dẫn tới những phản ứng làm xã hội bất ổn...
 
Thứ hai, để báo chí là nơi gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, phản hồi của người dân về các chính sách, báo chí không chỉ tìm hiểu ở phía cơ quan ban hành chính sách, mà còn phải tìm hiểu cả ở phía người thụ hưởng chính sách - người dân.
 
Với những chính sách sắp ban hành, báo chí cần lắng nghe ý kiến người dân, ý kiến tư vấn góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học để làm sao tạo được sự đồng thuận xã hội cao nhất khi chính sách được ban hành, để chính sách ấy thực sự đi vào cuộc sống. Với những chính sách đã ban hành, báo chí cũng cần tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân. Bởi chính những người thụ hưởng chính sách biết rõ được chính sách ấy đúng hay sai, có những hạn chế hay bất cập gì. Từ đó, có những đề xuất giải pháp với chính quyền để tháo gỡ, để đề ra chính sách tốt hơn.
 
Thứ ba, công tác quan hệ báo chí của các bộ, ngành, các địa phương được coi là khâu quan trọng và không thể thiếu trong quy trình chính sách. Các cơ quan ban hành chính sách cần có cơ chế thông tin cởi mở với báo chí để trước hết, chính những người làm báo có thể biết và hiểu đúng về chính sách, trên cơ sở đó mới có thể đưa ra thông điệp truyền thông chính sách đúng đắn và hiệu quả. Truyền thông chính sách của báo chí có đạt hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp giữa cơ quan ban hành chính sách với cơ quan báo chí./.
 

Thủy Tiên ( Người làm báo)