Sách nói và lỗ hổng bản quyền

10/28/2019 11:14:00 AM

Tưởng rằng Audio Book (sách nói) đã vắng mặt trên thị trường, nhưng thực tế, loại hình này vẫn tồn tại, thu hút đông đảo độc giả. Tuy nhiên, giống với Ebook (sách điện tử), sách nói cũng đang bộc lộ rất nhiều bất cập liên quan đến bản quyền.


20191028-Nam-3.jpg
Không có biện pháp bảo vệ, sách nói trở thành món hàng cho nhiều nơi trục lợi 
Thức thời và tiềm năng 
 
Cách đây gần 10 năm, Phương Nam Books ra mắt hàng loạt tác phẩm theo định dạng sách nói của một số tác giả như Đỗ Hồng Ngọc, Di Li, Lưu Thị Lương, Dương Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thị Ngọc Liên… Thời điểm đó, sách nói của Phương Nam Books được thực hiện theo hình thức CD.
Đến khi CD, DVD trở nên lỗi thời thì phiên bản này cũng nhanh chóng chìm vào dĩ vãng. Tuy nhiên, sách nói không “chết” mà hiện tại đã chuyển sang một hình thức mới, vừa thức thời vừa tiện dụng cho người nghe, đó chính là các kênh Radio và YouTube.  
 
Không khó để tìm ra những kênh này, bởi chúng xuất hiện công khai và có nhiều người theo dõi, bình luận. Có thể kể đến: Kho Sách Nói (100.000 lượt theo dõi), Queen Voice (gần 2.000 lượt theo dõi), Gác Sách (5.390 lượt theo dõi), Cafe Sách (515.109 lượt xem), AudioBookGood (13.400 lượt theo dõi), Hẻm Radio, Radio Saigon, VOH Online… Có điều rất nhiều kênh, điển hình như Cafe Sách không sản xuất video mà sử dụng dữ liệu từ nơi khác, nhiều trong đó là dữ liệu từ Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù. 
 
Trong tình trạng bát nháo, mạnh ai người nấy làm như vậy, phải thừa nhận Hẻm Radio là một kênh chuyên về sách văn học, có sự đầu tư nghiêm túc về kỹ thuật, âm thanh cũng như phát thanh viên. Đến thời điểm hiện tại, Hẻm Radio đã có hơn 93.000 lượt theo dõi, 50.000 lượt nghe cho mỗi tác phẩm văn học học đường. Trong số hơn 1.000 video được đăng tải, có khá nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như Lão Hạc, Số đỏ, Những đứa con trong gia đình, Chiếc lược ngà, Lục Vân Tiên… 
 
Không thể phủ nhận sự thức thời cũng như sự lan tỏa của các kênh này. Bằng chứng là rất nhiều video có lượt nghe rất cao như Truyện Kiều (1 triệu lượt), Hành trình về phương Đông (404.000 lượt), Điệp viên hoàn hảo X6 Phạm Xuân Ẩn (24.000 lượt cho phần 1 và 14.000 lượt cho phần 2), Cây chuối non đi giày xanh (8.400 lượt cho phần 1), Khi hơi thở hóa thinh không (5.800 lượt cho phần 1; 3.800 lượt cho phần 2). Dù người nghe được miễn phí nhưng trên thực tế, một số kênh này cũng đã có thể kiếm tiền từ YouTube.
 
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cho rằng sách nói đang là thị trường đầy tiềm năng ở Việt Nam vì phù hợp với nhu cầu của thế giới cũng như của bạn đọc trong nước.
 
“Thêm vào đó, Việt Nam đang là quốc gia có dân số trẻ, đặc biệt giới trẻ rất chịu chạy theo xu hướng công nghệ của thế giới. Audio Book thế giới phát triển thì Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Khi độc giả nghe Audio Book đã thành thói quen thì lớn lên họ sẽ suy nghĩ và hình thành thói quen đọc sách”, ông Nam nói thêm.
 
Cần tôn trọng bản quyền
 
Chia sẻ trên một tờ báo gần đây, đại diện của Hẻm Radio tiết lộ, điều đáng mừng là khi biết Hẻm Radio là một kênh “tôn vinh văn hóa đọc”, các nhà xuất bản và tác giả đều ủng hộ và cho phép nhóm sử dụng tác phẩm của họ để thực hiện các video phát thanh của mình.
 
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nam khẳng định, không bán hay nhượng quyền cho ai thực hiện Audio Book: “Chúng tôi chưa cấp quyền Audio Book cho ai hết. Tất cả những phiên bản đang lưu hành hiện nay, ngoài Thư viện sách nói dành cho người mù đều là sách lậu. Có nhiều đơn vị đã tiếp cận với chúng tôi, nhưng hiện tại chúng tôi chưa triển khai Audio Book, có thể trong tương lai chúng tôi mới tính đến chuyện này”. 
 
Liên quan đến việc nhiều đầu sách của First News xuất hiện trôi nổi trên các kênh YouTube và Radio, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Sách First News, cũng khẳng định, ngoài Thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù, công ty ông chưa trao quyền cho bất cứ cá nhân, đơn vị nào để thực hiện sách nói.
 
Ông Phước bày tỏ: “Đây là một sự vi phạm bản quyền và kinh doanh trái phép trên mạng. Ngoài những người thích đọc, chia sẻ nhưng cũng có nhiều người làm Audio Book để kinh doanh, bán theo gói thông qua USB; một số thì kiếm tiền từ YouTube. Chúng tôi sẽ làm việc với các công ty luật về việc này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với chúng tôi là một số tài khoản thì có tên người nhưng một số lại không rõ ràng”.
 
Ông Phước đề xuất: “Các đơn vị xuất bản cần lên tiếng kịch liệt hơn nữa. Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng Bộ TT-TT nên có sự hỗ trợ các NXB, các công ty sách. Bởi vì bộ là cấp cao nhất có thể làm việc với các công ty như Facebook, YouTube để lưu ý và nhắc nhở họ, tránh sự vi phạm bản quyền ngay tại Việt Nam”.
 
Chúng tôi cũng liên hệ với Thư viện sách nói Hướng Dương thì được biết, thư viện chỉ có một kênh chính thống và duy nhất tại www.sachnoionline.com, không hợp tác với bất kỳ tổ chức nào để kinh doanh và phát hành sách nói.
 
Bà Bích Hạnh, Phó Giám đốc thư viện, kể: “Cách đây không lâu, khi hay tin về vấn nạn lộn xộn của sách nói, bên thư viện từng đặt mua USB qua mạng với giá gần 500.000 đồng về nghe thì phát hiện ra phân nửa sách trong đó là do thư viện thực hiện. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi không thể liên hệ với nơi đã bán vì khi liên hệ lại họ không bắt máy”. 
 
Theo chia sẻ của bà Bích Hạnh, việc những đầu sách nói do thư viện thực hiện bị chiếm dụng để kinh doanh đang ảnh hưởng rất lớn đến danh dự và uy tín của thư viện. Bởi vì, hầu hết các tác giả và đơn vị xuất bản đều ủng hộ thư viện trong việc thực hiện sách nói dành cho người mù.
 
“Chúng tôi cũng rất căng thẳng nhưng không làm được gì, vì chúng tôi không sở hữu bản quyền. Khi phát hiện có đầu sách nào vi phạm, chúng tôi chỉ biết thông báo cho các đơn vị để họ biết là không phải mình đang kinh doanh”, bà Bích Hạnh nói.
 

Hồ Sơn (SGGP)