Tràn lan thông tin giả trên mạng xã hội: Cần nâng cao ý thức của người dân

7/4/2019 2:30:00 PM

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng internet đã lan rộng và phủ sóng toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, internet cũng kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là tình trạng “loạn” thông tin trên mạng xã hội. Điều này đã  gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị, xã hội của các quốc gia nói chung và mỗi người dân nói riêng.


20190704-Nam-8.jpg
Mạng xã hội ngày càng nhiều người sử dụng
“Loạn” thông tin thật - giả
 
Ngày nay, số lượng người sử dụng mạng xã hội (MXH) trên thế giới đang có xu hướng tăng mạnh, song hành với đó là sự lan truyền rộng rãi của các thông tin giả, độc hại, sai lệch sự thật. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2018, Việt Nam có khoảng khoảng 55 triệu người sử dụng MXH, chiếm gần 57% dân số và chủ yếu sử là dụng Facebook, YouTube, và Zalo…
We Are Social (một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội tại Anh) thống kê: Trung bình mỗi ngày người Việt Nam sử dụng internet hơn 5 giờ (đối với người dùng máy tính) và gần 3 giờ (đối với người dùng điện thoại thông minh). Trong đó, thời gian sử dụng MXH là hơn 3 giờ/ngày, một quỹ thời gian lớn so với nhiều quốc gia khác.
Từ những dẫn chứng trên có thể thấy, MXH đang chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và kinh doanh sản xuất của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà MXH mạng lại, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ từ không gian mạng, thậm chí đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Cụ thể như những ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin xấu, độc hại cũng như vấn nạn tin giả, tin sai sự thật.
 
Theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông (TT&TT), Google thời gian qua đã ngăn chặn, gỡ bỏ được 4.466 video clip xấu độc trên trang YouTube theo yêu cầu của bộ. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây, theo đó, đã hạ 6 kênh. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
 
Tại Việt Nam, trong khoảng 2 năm vừa qua đã có hàng loạt tin giả được tung lên không gian mạng, gây xôn xao dư luận có thể kể đến như: vụ máy bay rơi, trẻ em nhập viện vì thịt lợn chứa chất an thần, đề xuất cấm công chức đổ xăng tại trạm xăng của Nhật… Hay gần đây nhất là những thông tin thổi phồng về dịch tả lợn châu Phi và kêu gọi tẩy chay thịt lợn của trang Facebook “Đầm thời trang Mami”. Sự việc này đã đẩy các tiểu thương vào thế “khóc ròng” vì giá thịt giảm sút, việc thu mua thịt lợn cũng gặp phải nhiều khó khăn.
 
Đặc biệt nghiêm trọng hơn, tin giả đã trở thành một công cụ đắc lực để các cá nhân bất mãn và thế lực thù địch sử dụng nhằm chống phá Đảng và Nhà nước. Cụ thể, Văn phòng Quốc hội đã có thông báo về sự xuất hiện của 19 trang thông tin điện tử đi kèm với 36 tên miền quốc tế mạo danh Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. 36 tên miền này đều được đăng ký tại nước ngoài và sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin chủ thể…
 
Tương tự, trên MXH, các trang mạo danh liên quan đến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ xuất hiện khá nhiều. Chúng sử dụng nhiều hình thức khác nhau để lấy lòng tin của người dân rồi tiến hành tung thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.
 
Không chỉ thông tin về các đồng chí lãnh đạo cấp cao bị giả mạo, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước cũng bị mạo danh. Gần đây nhất là trên Facebook xuất hiện tài khoản “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” đã đưa nhiều thông tin sai trái.
 
Ngày 3/4/2019, trên trang này xuất hiện tiêu đề “Chỉ đạo chính thức của Ban Tuyên giáo Trung ương về vụ “Hôn bé gái trong thang máy” (Vụ án Nguyễn Hữu Linh). Chỉ sau 1 ngày đăng, tài khoản này đã thu hút gần 2000 lượt bình luận và chia sẻ. Trước đó, ngày 11/3/2019, sau khi cơ quan chức năng công bố “Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607: 2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm”, trang này cũng đã có nhiều bài với nội dung thất thiệt, gây chia rẽ quần chúng.
Cùng với các trang MXH giả mạo trên, các tổ chức phản động như: Việt Tân, Phong trào anh em Dân chủ, Hội cờ vàng… cũng triệt để lợi dụng internet và lập nhiều trang Facebook để truyền bá thông tin giả, xuyên tạc tình hình trong nước. Đáng nói, mặc dù những tài khoản Facebook nói trên đều đăng tải các thông tin sai sự thật, không có kiểm chứng nhưng lại nhận được sự chia sẻ, lan truyền của không ít người dùng.
 
Có luật nhưng vẫn nhờn
 
Việc đăng tải các thông tin sai lệch trên MXH dù là nhằm mục đích câu like, câu view ảo nhưng, tác động của nó tới xã hội lại hoàn toàn có thật. Và trên thực tế, các cơ quan chức năng đã không ít lần tiến hành xử phạt các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên MXH như: Xử phạt 20 triệu đồng đối với chủ trang facebook “Đầm bầu thời trang Mami” ở Hà Nội, hay facebook “Đoàn Cường” ở Quảng Ninh vì đăng thông tin sai lệch liên quan tới dịch tả lợn châu Phi.
 
Hay như vụ việc, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ra quyết định khai trừ Đảng đối với Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Đà Nẵng Trần Đức Anh Sơn do đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên MXH. Vi phạm của ông Sơn đã gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan nơi công tác.
 
Về tình trạng “loạn” thông tin trên MXH, phát biểu tại Hội thảo quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam – Vietnam Security Summit 2019 Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Tin giả không chỉ là vấn đề mà cả hệ thống chính trị quan tâm.
 
Hiện nay vấn nạn này đang gây “nhức nhối”, ảnh hưởng trực tiếp tới khách thể, nạn nhân của những tin tức giả, cũng như cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Tin giả được lan truyền trên các trang MXH hiện nay đa phần mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý người đọc. Còn với các tài khoản facebook tung tin sai lệch đã bị xử lý trên, điểm chung của họ là đăng với mục đích câu view ảo để bán hàng online và khi đăng tải không kiểm chứng lại thông tin.
 
Trên phương diện pháp lý, Luật sư Bùi Thế Vinh (Đoàn Luật sư Hà Nội) hiện nay, Việt Nam cũng đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong luật An ninh mạng và Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, Tại Điều 8 và 9 Luật An ninh mạng đã nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác trên không gian mạng.
 
Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Quy định đã có, tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn người dùng Facebook tại Việt Nam không nắm được quy định pháp luật này.
 
“Sở dĩ thông tin giả, tin sai sự thật có đất sống trên Facebook là do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dùng và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến tin giả có thể được lan truyền một cách chóng mặt trên môi trường MXH” - Luật sư Bùi Thế Vinh cho hay.
 
Trong thời điểm “loạn” thông tin trên MXH như hiện nay, ngoài sự vào cuộc quyết liệt và xử lý mạnh tay của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ giải pháp thiết thực, đầu tiên cần phải làm chính là tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành của mỗi người dân. Có như vậy, tình trạng này mới sớm được khắc phục.
 

Lê Thắm (Lao động TĐ)