Giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực TT&TT trong hơn 2 năm tới

11/2/2018 1:58:00 PM

Theo Quy hoạch mới được phê duyệt, giai đoạn đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT (không gồm cơ quan báo chí) và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với 2015.


20181102-Nam-5.jpg
Đối tượng của Quy hoạch là các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực TT&TT (Trong ảnh: Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, một trong những đơn vị sự  nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT)
 
Thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển
 
Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT đến năm 2021, định  hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quyết định 1431 ngày 26/10/2018.
Quy hoạch hướng tới mục tiêu hình thành mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; bố trí lại nguồn lực hợp lý của ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động sự nghiệp công về TT&TT; thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển, nâng cao chất lượng và số lượng các sản phẩm, dịch vụ công, giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
Cùng với đó, tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý; bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công có chất lượng theo tiêu chí, tiêu chuẩn do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, đặc biệt tập trung vào các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
 
Về mục tiêu cụ thể, Quy hoạch nêu rõ, với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT (không gồm các cơ quan báo chí), giai đoạn đến năm 2021 thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp bảo đảm phù hợp với danh mục dịch vụ sự nghiệp công ngành TT&TT, bảo đảm tinh gọn, đồng bộ, thống nhất; thực hiện tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công. Giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp  tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19).
 
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, thời gian từ nay đến năm 2021, các đơn vị phải tăng dần mức độ tự chủ về tài chính hàng năm phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu đến năm 2021 có tối thiểu 10% đơn vị tự chủ về chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư, giảm bình quân 10% chi trực tiếp NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị quyết 19.
 
Đồng thời, hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần; cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
 
Giai đoạn đến năm 2025, mục tiêu cụ thể là tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN so với năm 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.
 
Nhà nước chỉ đầu tư cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền
 
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực báo chí, tại Quy hoạch mới được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện sắp xếp theo lộ trình của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị thông qua. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến 2021 có tối thiểu 10% đơn vị tự chủ về chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư; đến năm 2025 sẽ có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư.
 
Nhà nước sẽ chỉ đầu tư, bảo đảm cho một số báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền; có hỗ trợ ngân sách (theo hình thức đặt hàng) đối với những ấn phẩm, chuyên mục, chương trình phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị cụ thể trong từng giai đoạn, khu vực.
 
Tại Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT đến năm 2021, định  hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ 5 nhóm giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, bao gồm: nhóm giải pháp quản lý nhà nước; nhóm giải pháp tài chính; nhóm giải pháp về thể chế; nhóm giải pháp pháp về nhân lực và nhóm giải pháp về tổ chức.
 
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; định kỳ tổng kết, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch. Căn cứ vào tình hình triển khai trong thực tế, Bộ TT&TT có trách nhiệm chủ động rà soát, báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp.
 
Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực báo chí
 
Đáng chú ý, trong nội dung Quy hoạch được phê duyệt ngày 26/10/2018, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực báo chí (gồm báo và tạp chí in; phát thanh, truyền hình; báo và tạp chí điện tử), với lộ trình thực hiện theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Theo đó:
 
- Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản; mỗi ban của Đảng có 1 cơ quan tạp chí in. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
 
- Văn phòng Quốc hội có 1 cơ quan báo in, 1 cơ quan tạp chí in và cơ quan Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
 
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.
 
- Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in; Bộ Quốc phòng có thêm Trung tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội; Bộ Công an có thêm Trung tâm Phát thanh, truyền hình, điện ảnh Công an nhân dân. Báo điện tử Chính phủ, Báo Quân đội Nhân dân và Báo Công an Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
 
- Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có 1 cơ quan tạp chí in. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
 
- Quân khu, quân chủng có 1 cơ quan báo in hoặc 1 cơ quan tạp chí in.
 
- Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan tạp chí in.
 
- Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viên là đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện theo quy định được có 1 cơ quan tạp chí in khoa học chuyên ngành.
 
- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 cơ quan báo in, 1 cơ quan tạp chí in và 1 đài phát thanh và truyền hình (đài); riêng TP.HCM có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí in chuyên ngành. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình; Hà Nội và TP.HCM có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức và phạm vi thông tin, mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình  phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
 
- Cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in thì được xuất bản báo, tạp chí điện tử.
 

M.T (ICTNews)