Đến nhà sách, không chỉ mua sách

8/2/2018 2:56:00 PM

“Chụp góc này có kệ sách phía sau đẹp nè”, “Ở đây chụp nhiều rồi, lên tầng trên đi, quán cà phê có cửa sổ cũng đẹp lắm”, cuộc thảo luận ngắn của đôi bạn trẻ bước vào nhà sách chỉ xoay quanh chuyện tìm góc chụp hình đẹp và những quyển sách chỉ như một đạo cụ để bức hình thêm lung linh. 


20180802-Nam-10.jpg
Không gian truyện tranh là nơi thu hút nhiều độc giả trẻ
Nhà sách hay siêu thị?
 
Không gian nhà sách ngày càng hiện đại là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên, nhiều người đến nhà sách không hẳn là mua sách. Giới trẻ kháo nhau những nhà sách mới mở có không gian đẹp để chụp hình. Không ít những người trẻ tới nhà sách, lần giở vài cuốn để chụp hình khoe lên mạng xã hội cho vui. Nhiều nhà sách hiện nay tích hợp thêm không gian quán cà phê, phần đông khách ghé lại vì một chỗ ngồi yên tĩnh để làm việc, trò truyện cùng bạn bè chứ không hẳn đến để mua sách.
Những từ khóa tìm kiếm trên internet như: “nhà sách chụp hình đẹp”, “nhà sách có quán cà phê đẹp” hay “nhà sách có không gian sống ảo, check in”…, người tìm kiếm sẽ có vô số những gợi ý, thậm chí có những bài viết giới thiệu rõ từng góc chụp hình đẹp trong các nhà sách. Không chỉ đẹp về không gian và hình thức, nhiều nhà sách còn chiều ý khách bằng những biển “Cho phép chụp ảnh”, để khách tự do, thoải mái tạo dáng.
 
Một chỗ ngồi yên tĩnh nhâm nhi cà phê, khách có thể đọc vài quyển sách để sẵn, làm việc hay trò chuyện cùng bạn bè tùy thích, khiến nhiều người thích thú đến nhà sách. “Có quán cà phê trong nhà sách cũng hay, ngồi ở đây làm việc cũng yên tĩnh hơn những quán cà phê khác bên ngoài”, chị Minh Hương (nhân viên thiết kế, ngụ quận 3) chia sẻ. Nhiều nhà sách lớn, nhỏ, khách hàng tìm đến để mua sắm các thiết bị văn phòng phẩm, quà lưu niệm, thậm chí cả những sản phẩm gia dụng, đồ dùng hàng ngày và đặc biệt là đồ chơi trẻ em, chứ không hề mua sách. Không ít ý kiến phàn nàn về tình trạng nhà sách gần như biến thành siêu thị. “Sách thì ít, nhiều khi nhìn sơ qua thấy hàng hóa khác còn nhiều hơn kệ sách”, chị Thu Thảo (nhân viên ngân hàng, quận 1) bày tỏ. 
 
Cũng không ít người ngao ngán trước tình trạng phải đỏ mắt tìm một quyển sách trong chính nhà sách. Hỏi nhân viên tựa sách cần tìm thì câu trả lời là những cái nhìn ngơ ngác, xa lạ hoặc phải chạy khắp các kệ để tìm cho khách. “Mua sách giáo khoa nói lớp mấy để nhân viên họ lấy ra cho lẹ, còn tìm sách để đọc thì phải có thời gian đi lựa, chứ hỏi nhân viên nhiều khi họ cũng không biết”, anh Minh Kiệt (ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ kinh nghiệm.
 
Đủ kiểu bán sách
 
Những loại sách dễ tìm và thường được trưng bày ở những vị trí dễ nhìn thấy trong các nhà sách hiện nay chủ yếu là các thể loại dạy làm giàu, truyện ngôn tình và truyện tranh. Thể loại này luôn được thiết kế bìa bắt mắt và trích dẫn vài câu nói ngắn bên trong sách với nội dung khá mềm mại, tình cảm. Truyện tranh được sắp xếp theo từng thể loại và chia theo bộ để khách dễ tìm thấy nhất. Một số nhà sách còn tận dụng sự rộng rãi về không gian, sắp xếp thêm vị trí chỗ ngồi để khách ngồi đọc ngay tại nhà sách một cách thoải mái nhất.
 
Hiện nay, vài nhà sách nhỏ nổi lên với sự tập trung chuyên về các thể sách như văn học, nghệ thuật, thiết kế, trang trí…, thu hút được một bộ phận khách hàng nhất định. Cùng với việc tận dụng kênh bán hàng qua mạng xã hội, giúp tiện lợi nhiều hơn trong việc tìm kiếm sách theo yêu cầu của khách. Khách có yêu cầu về sách sẽ để lại thông tin, nhà sách tìm và khi có sẽ thông báo trực tiếp đến mail cá nhân, tin nhắn điện thoại hoặc tin nhắn qua mạng xã hội. Đặc biệt những dòng sách chuyên ngành, nghiên cứu chuyên sâu là thế mạnh của các nhà sách này, trong đó có nhiều quyển khó tìm trên thị trường sách đại trà, hoặc có những quyển được nhập trực tiếp từ nước ngoài. 
 
Bên cạnh việc tận dụng kênh bán hàng online, những bài viết điểm sách chia sẻ trên mạng xã hội cũng được các nhà sách đầu tư, chăm chút từng câu chữ nên thu hút nhiều lượt thích và bình luận, chia sẻ. Nhiều nơi, chính tay các chủ nhà sách chọn và đọc, rồi chia sẻ những bài điểm sách đến người mua. Chị Minh Hạnh (chủ cửa hàng sách chuyên về ngành thiết kế, kiến trúc tại quận 1) bày tỏ: “Chỉ bán chuyên một dòng sách thì lượng khách hàng không quá nhiều nhưng ổn định, nó cũng tạo tính chuyên nghiệp hơn cho nhà sách, chứ không đại trà chung chung. Nhiều quyển sách chuyên ngành giá khá cao, nhưng khách hàng là người làm trong lĩnh vực đó, họ vẫn sẵn sàng chi tiền mua để nghiên cứu, tìm hiểu thêm kiến thức chuyên môn”.
 
Có một sự thật là khách hàng trẻ tìm đến các nhà sách bởi sự hào nhoáng bên ngoài nhiều hơn chức năng chính là bán sách. Bởi vậy, rất cần có sự đầu tư chuyên nghiệp và chuyên sâu hơn trong việc bán sách, để tạo nên một cộng đồng không chỉ yêu sách mà còn biết thưởng thức sách một cách đúng nghĩa. 
 

Kim Loan (SGGP)