Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Rào cản nào khiến ebook Việt chưa phát triển như kỳ vọng?

18/09/2019 10:08 SA
20190918-Nam-2.jpg
Tỷ lệ người dùng đọc các thể loại nội dung sách điện tử.
 
Ebook hay sách điện tử, như chúng ta đã biết, là một ấn phẩm sách được tạo ra ở dạng kỹ thuật số. Nó bao gồm văn bản, hình ảnh, hoặc cả hai, có thể đọc được trên màn hình của máy vi tính, máy tính xách tay hay máy tính bảng hoặc các thiết bị điện tử khác (như điện thoại thông minh hoặc máy đọc sách chuyên dụng).
Ở đây ta tạm phân ra hai loại ebook, loại thứ nhất là “phiên bản điện tử của sách in”, loại thứ hai là ebook tồn tại mà không có bản in tương ứng.
Sự phát triển ebook thu phí ở Việt Nam
 
Việt Nam nói riêng, và khu vực Đông Nam Á nói chung, có sự phát triển dịch vụ ebook thu phí của mình gần như ngay trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của làn sóng ebook toàn cầu lần thứ nhất.
 
Năm 2009 đã xuất hiện các ứng dụng/ dịch vụ đọc sách trên điện thoại mà bản chất là các hình ảnh scan từng trang sách in và người dùng truy cập qua điện thoại cài đặt PGRS. Có thể kể đến dịch vụ mbook trong giai đoạn này.
 
Đến 2011, đầu 2012, với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ giá trị gia tăng (VAS), cùng sự đổ bộ của các nhà mạng nước ngoài và các công ty kinh doanh nội dung của Nhật, Trung Quốc… các dịch vụ ebook trên nền tảng viễn thông phát triển mạnh mẽ, (mà đi đầu là nhà mạng Viettel với Anybook) tạo động lực thúc đẩy các dịch vụ ebook từ các đơn vị phát triển độc lập khác. Giai đoạn này có thể kể đến ybook của NXB Trẻ, Alezaa của Vinapo. Định dạng epub dần thay thế các file ebook kiểu cũ như prc, mobi hay thậm chí là pdf.
 
Giai đoạn 2013-2016 mặc dù có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ ebook dưới dạng thư viện sách điện tử như Lạc Việt Reader (Lạc Việt) Vinabook (Sông Hương), Komo (Phương Nam book)… song thoái trào ebook đã xuất hiện.
 
Lúc này, Luật xuất bản sửa đổi đã được ban hành, mặc dù có hẳn 1 chương dành riêng cho ebook tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc nhất định khi giải bài toán đầu tư và doanh thu, cũng như sự thắt chặt về bản quyền hay giấy phép ebook từ cơ quan quản lý khiến dần dần một số đơn vị cung cấp đã lựa chọn rời khỏi cuộc chơi.
 
Giai đoạn này đánh dấu sự sụt giảm về số lượng ebook (là các phiên bản số hoá của sách in - hay ebook loại thứ 1) bị gỡ rất nhiều khỏi các nền tảng đọc do hết hạn khai thác và không được gia hạn quyền khai thác ebook.
 
Giai đoạn giữa 2017, có sự phát triển mạnh mẽ của “Các nội dung trực tuyến được thể hiện dưới dạng ebook” (hay còn gọi là ebook loại thứ 2), với Waka. Với sự thay đổi này, chiều hướng phát triển sách điện tử có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Số lượng người sử dụng (user), thời gian đọc cũng như doanh thu đều tăng trưởng đáng kể.
 
Cũng trong giai đoạn này, mô hình thu phí đăng ký (subscribes) trên thế giới có vẻ như bị sụp đổ bởi sự ra đi của các tên tuổi đình đám như Oyster hay Entitle dù cho có sự hậu thuẫn của 3 trên 5 nhà xuất bản lớn. Scribd cũng thông báo sẽ thu nhỏ đáng kể các dịch vụ cung cấp trong một số thể loại nhất định.
 
Ebook trên thế giới ghi nhận sự chững lại, phát triển “đi ngang” của ebook sau giai đoạn cao trào. Nói về mô hình này, Weinstein của Scribd cho rằng “mọi thứ quá tốt để tồn tại mãi mãi”. Sự sụp đổ này đặt ra 1 nỗi hoang mang lớn cho toàn ngành khai thác ebook toàn cầu tại lúc bấy giờ.
 
Tóm lại, sự phát triển ebook lần thứ nhất ở Việt Nam đã không như kỳ vọng, không tận dụng được đà tăng trưởng ebook toàn cầu cũng như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn cao trào để đặt nền móng cho sự phát triển.
 
Những rào cản, thuận lợi của xuất bản sách điện tử
 
Từ 2018 đến nay Việt Nam đang ở vào giai đoạn chuẩn bị, quá độ cho những bước phát triển tiếp theo. Thị trường Việt Nam giai đoạn này có những số liệu và các điều kiện khá tương đồng với giai đoạn đầu của các thị trường ebook phát triển.
 
Hiện tại, Việt Nam có 3 rào cản cũng như có 3 điều kiện thuận lợi để phát triển ebook, đón bắt làn sóng phát triển ebook lần thứ 2 toàn cầu.
 
Rào cản thứ nhất là về hành lang pháp lý đang chưa đầy đủ. Ví dụ, với nội dung truyện tương tác mà tình huống truyện được quyết định bởi những lựa chọn khác nhau của người đọc khác nhau, thì doanh nghiệp khai thác chưa biết xin cấp phép như thế nào để nộp lưu chiểu theo quy định, nên hình thức này còn chưa triển khai được.
 
Rào cản thứ hai là tâm lý của các đơn vị xuất bản, phát hành. Đa số các đơn vị làm sách không mặn mà làm ebook vì đầu tư lớn, công sức bỏ ra nhiều nhưng doanh thu chưa cao. Việc này dẫn đến nguồn cung ebook tốt đã thiếu lại còn hạn chế và không kịp thời. Và người đọc muốn đọc ebook có bản quyền lại không biết tìm ở đâu, đôi khi chạy qua bên các site lậu.
 
Rào cản thứ ba là về phương thức thanh toán. Hiện nay, chúng ta vẫn thiếu một kênh thanh toán thuận tiện, phù hợp với những người đọc ở lứa tuổi học sinh (ví dụ cấp 2) chưa đến tuổi làm chứng minh thư nên không có thẻ ngân hàng hay ví điện tử. Dù rất muốn mua sách ebook để đọc nhưng các em cũng không biết trả phí bằng cách nào.
 
Tuy mới và gặp một số khó khăn, chúng ta vẫn có những điều kiện thuận lợi để phá triển sách điện tử. Tỷ lệ dân số trẻ, lượng học sinh (tiểu học, trung học) và sinh viên chiếm đến 20% dân số. Đây chính là lượng đọc giả lớn của sách điện tử. 
 
Thứ hai, sự phổ biến của Internet giúp sách điện tử có thể dễ dàng đến với bạn đọc. Số người sử dụng và tần suất sử dụng rất cao. Có 66% dân số dùng Internet và 94% trong số đó là sử dụng hàng ngày.
 
Thứ ba là thói quen đọc và trả phí đọc trực tuyến đã hình thành. Nhu cầu đọc tăng lên và nhu cầu viết của các tác giả (trong nước) cũng phát triển mạnh.
 
Trong tương lai 2-3 năm tới, với sự phát triển và thay đổi của cơ sở hạ tầng sẽ giúp tăng thời gian và cơ hội đọc sách hơn.