Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Đơn hàng trên sàn thương mại điện tử tăng đột biến khi giãn cách xã hội

23/07/2021 14:41 CH
20210623-Nam-10.jpg
Đến nay, Vietnam Post đã thiết lập hơn 500 điểm bán hàng hóa thiết yếu và bình ổn giá tại các tỉnh, thành phía Nam.
 
Gần 400 tấn rau củ được Vỏ Sò, Postmart cung ứng cho người dân TP.HCM
 
Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là những tỉnh, thành đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang giãn cách với các địa phương khác. Đảm bảo cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
 
Theo đó, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính lớn tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính hoặc qua hình thức lưu động cho người dân ở các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
 
Sau 10 ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kể từ 0h ngày 19/7 số tỉnh, thành phía Nam áp dụng biện pháp này để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh đã là 19. Những ngày đầu, người dân TP.HCM đã gặp nhiều khó khăn trong việc mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên đến nay khó khăn trong cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu nhất là rau củ quả cho người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã bước đầu được khắc phục.
 
Với lợi thế về mạng lưới, đội ngũ nhân lực cộng với việc sở hữu các sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart, lần lượt vào các ngày 13 và 14/7, 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Viettel Post, VietnamPost đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online qua sàn kết hợp offline tại các bưu cục. Toàn bộ các sản phẩm bình ổn giá đều có mức giá thấp hơn hoặc bằng giá bán theo quy định của các Sở Công Thương. Các đơn hàng đặt mua qua sàn đều được vận chuyển tới tận địa chỉ người dân yêu cầu.
 
Đến nay, Vietnam Post đã thiết lập hơn 500 điểm bán hàng hóa thiết yếu và bình ổn giá tại các tỉnh, thành phía Nam. Riêng tại TP.HCM, địa phương nóng nhất về nhu cầu hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là nhóm các mặt hàng lương thực, rau xanh, thịt, trứng… Bưu điện TP.HCM đã tổ chức 179 điểm cung cấp hàng hóa phục vụ người dân. Sau 5 ngày triển khai, đã có gần 20 tấn gạo, hơn 300 kg thịt tươi, 5.000 quả trứng gà và hơn 26 tấn rau củ quả sạch được tiêu thụ.
 
Với Viettel Post, tính đến ngày 19/7, chương trình thực phẩm bình ổn tại TP.HCM của sàn Vỏ Sò đã ghi nhận hơn 325 tấn rau củ quả được tiêu thụ tại 34 điểm bán lưu động tại 20 quận, huyện. Trên kênh online, ngoài combo 5 kg rau đồng giá 99.000 đồng, Vỏ Sò đã có thêm 1 combo giá 199.000 đồng cho các gia đình 3-4 người với đủ rau xanh trong 6 bữa và có kèm các loại gia vị như chanh, ớt, hành lá. Số đơn hàng đặt các combo rau củ quả đã lên tới trên 25.000.
 
Tại các tỉnh, thành phía Nam cũng đang giãn cách xã hội, đại diện Viettel Post cho biết, doanh nghiệp này cũng đã sẵn sàng kịch bản để mở các điểm bán offline nếu địa phương xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Bên cạnh đó, sàn Vỏ Sò đã mở mới thêm 25 gian hàng cung cấp các loại rau củ quả tươi theo combo và trứng gia cầm... phục vụ người dân các tỉnh phía Nam.
 
Các sàn đều tăng mạnh số đơn hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu
 
Ngoài 2 sàn Vỏ Sò và Postmart của các doanh nghiệp bưu chính, trong giai đoạn TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội, các sàn thương mại điện tử khác như Sendo, Tiki, Shopee, cũng đã tham gia cung ứng hàng hóa và bình ổn giá cho thị trường, thông qua các chương trình như “Đi chợ tại nhà”, “Tiếp sức Sài Gòn – Tiki trao tươi ngon”, “Thực phẩm bình ổn”…
 
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, những ngày qua, sàn Sendo đã phối hợp với các nhà vận hành tạo ra các combo “Rau quả giao ngay”, “Thịt tươi mỗi ngày” áp dụng hình thức giao nhanh tại TP.HCM; các sản thực phẩm tươi sống đều được cung cấp đầy đủ và được tiêu thụ nhanh theo ngày.
 
Bên cạnh đó, các sàn như Tiki (Tiki Ngon), Shopee, Lazada với các thực phẩm tươi sống tương tự cũng được tiêu thụ nhanh và tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn cung đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định cho người dân. Tính đến ngày 20/7, sàn Tiki đã ghi nhận khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn hàng/ngày với mặt hàng thiết yếu; các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày; còn sản lượng trung bình của sàn Lazada từ 5-10 tấn/ngày với rau xanh và thực phẩm chế biến.
 
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc tổ chức phân phối tại các kênh truyền thống, mở lại các chợ truyền thống là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, kênh online qua các sàn thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ cho kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm thuận lợi tại nhà, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
 
“Tổ Công tác tiền phương của Bộ Công Thương trực tại TP.HCM đang tập trung chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân thành phố và các tỉnh phía Nam. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục cùng với các sàn thương mại điện tử chung tay, chung sức đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kể cả việc đưa từ khu vực miền Trung, miền Bắc vào trong Nam”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết.