Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Thừa Thiên Huế đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng, thể chế để chuyển đổi số

03/03/2021 11:10 SA
20210303-Nam-3.jpg
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh áp dụng giải pháp không dùng tiền mặt trong thanh toán. Ảnh: thuathienhue.gov.vn
 
Hoàn thiện hạ tầng, thể chế để chuyển đổi số
 
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc đẩy mạnh CĐS trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước góp phần quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính, hiện thực hóa lộ trình giảm giấy tờ, giảm thời gian, giảm chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). CĐS trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước cần phải đi đầu, là điều kiện quan trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả sự đồng bộ CĐS các lĩnh vực kinh tế, phục vụ tiến trình "Làm việc không giấy tờ, họp không tập trung, giải quyết thủ tục không gặp, thanh toán không dùng tiền mặt", và tạo lập gắn với khai thác các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia.
 
Để thúc đẩy triển khai xây dựng chính quyền số, hướng tới phát triển kinh tế số, xã hội số, tỉnh đã hoàn thiện các thể chế về CĐS và nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số; đồng thời từng bước hoàn thiện và tích hợp, liên thông các CSDL chuyên ngành, tiến hành số hóa các dữ liệu tại các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh và hạ tầng kết nối, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng.
 
Cùng với đó, nhằm nâng cao nhận thức về CĐS trong các cơ quan Nhà nước ở tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có các buổi làm việc với các ngành để quán triệt, triển khai chương trình, kế hoạch CĐS của từng ngành, từng lĩnh vực dịch vụ công và một số chuyên đề có sự phối hợp giữa các ngành để xây dựng kế hoạch CĐS.

Theo Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay 100% các TTHC của tỉnh được cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên; trong đó số DVCTT mức độ 3 với 1.296 dịch vụ; 976 số DVCTT mức độ 4, giúp người dân, doanh nghiệp (DN) có thể tìm hiểu quy trình, thủ tục, thành phần hồ sơ... liên quan TTHC cần giao dịch.
 
Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho biết, tất cả hồ sơ của người dân, DN nộp được nhập vào hệ thống một cửa điện tử, do vậy người dân, DN có thể tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ trực tuyến qua mạng Internet, SMS, Zalo... Điều này, giúp giảm giấy tờ, thời gian, chi phí cho người dân và DN, tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết TTHC.
 
Theo công bố của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) về báo cáo đánh giá mức độ CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019 (ICT Index), Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành trên toàn quốc có chỉ số trên 0,9 điểm (0,9039 điểm), xếp vị trí thứ nhất.
 
Đây là kết quả của sự nỗ lực trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên tất cả lĩnh vực của tỉnh nhằm hướng đến lộ trình xây dựng thành phố thông minh, Chính quyền điện tử tiến đến chính quyền số trong tương lai.
 
Tỉnh đang thí điểm Đề án chính quyền số
 
Cũng theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài xây dựng, phát triển hạ tầng mạng, hiện tỉnh đang thí điểm Đề án chính quyền số với nhiều nội dung hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, như: Cung cấp tốt hơn các dịch vụ số sử dụng các công nghệ và công cụ hiện đại; nâng cao chất lượng các dịch vụ di động cho người dân, DN; đánh giá hiệu năng, chất lượng của dịch vụ và sự hài lòng của người dân để cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất.
 
Các nội dung chính trong thí điểm là các dự án xây dựng các hệ thống thông tin, dịch vụ chính quyền số và CSDL quản lý chuyên ngành đảm bảo đồng bộ; tích hợp, chia sẻ các hệ thống thông tin dùng chung; nâng cao chất lượng hạ tầng mạng, đường truyền số liệu chuyên dùng để phục vụ phát triển chính quyền số, có thể chia sẻ, phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý và cho người dân, DN trong giải quyết TTHC.
 
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, CĐS và các khái niệm liên quan vẫn còn mới mẻ đối với DN, người dân, cán bộ công chức trong quá trình tiếp cận và áp dụng. Do vậy, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về yêu cầu CĐS. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, kịp thời giải quyết, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tránh rủi ro về pháp lý do thiếu sự đồng bộ của hệ thống văn bản; công khai, minh bạch, tạo lòng tin cho các DN cũng như sự tự tin của cơ quan chính quyền trong quá trình cấp phép đầu tư và tiếp cận đất đai.
 
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số
 
Theo Chương trình CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt, Chương trình hướng tới "4 không 1 có", bao gồm: Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và luôn luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hóa chưa.
 
Theo đó, đến 2030, Thừa Thiên Huế hoàn thiện mô hình chính quyền số, xã hội số. Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nền tảng động lực để phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, CNTT và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
 
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chương trình CĐS mang lại nhiều tiện ích cho người dân, DN, góp phần giảm TTHC, xử lý hồ sơ trên mạng với mục tiêu 100% người dân và DN tham gia hệ thống Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh được xác thực định danh điện tử thông suốt và 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên môi trường mạng.
 
Chương trình cũng tập trung xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành tại 100% cơ quan nhà nước và 60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hoá, lưu trữ tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và đưa vào khai thác hiệu quả.
 
Hướng đến nền kinh tế số và xã hội số, Chương trình CĐS đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng kinh tế số đóng góp 20% GDP toàn tỉnh, 50% người dùng smartphone được tiếp cận các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh cũng như tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử; 100% người dân đảm bảo điều kiện được phổ cập điện thoại thông minh.