Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về mục tiêu kép trong phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số

11/11/2019 10:12 SA
20191111-Nam-4.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn
của đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 8/11/2019 (Ảnh: Quochoi.vn)
 
“Giải pháp để khai thác, phát huy CNTT nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu mô hình phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay” là vấn đề được đại biểu Thái Trường Giang đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 8/11 vừa qua.
 
Thông tin với các đại biểu Quốc hội về vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của Bộ TT&TT trong phát triển Chính phủ điện tử và kinh tế số, đó là hướng tới mục tiêu kép. Trong đó, mục tiêu số một là xây dựng, có được một Chính phủ điện tử hiệu quả; và mục tiêu thứ hai là phát triển các doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp số Việt Nam, thông qua quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, các doanh nghiệp số Việt Nam sẽ trưởng thành và từ cái nôi Việt đi ra nước ngoài.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 50.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT, trừ những doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại thì còn khoảng 30.000 doanh nghiệp làm công nghệ. Đây là lực lượng rất lớn, tỷ lệ này so với các quốc gia khác cũng là rất cao. Bộ đang có chủ trương tăng từ 50.000 thành 100.000 từ nay đến năm 2025 để phục vụ cho chuyển đổi số, thông qua đó để hình thành các doanh nghiệp CNTT lớn của Việt Nam.
 
Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ một Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trong đó có một số ý quan trọng như cho phép các công ty công nghệ áp dụng cơ chế thí điểm đối với những công nghệ mới, đối với những mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ đến năm 2030; có chương trình hỗ trợ các tỉnh, các địa phương hình thành các doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh mình để thực hiện quá trình chuyển đổi số của tỉnh; ưu tiên mua sắm Chính phủ về các sản phẩm CNTT, an toàn, an ninh mạng của các doanh nghiệp trong nước.
 
Quan điểm, định hướng xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hướng tới mục tiêu kép, vừa đảm bảo có được một Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hiệu quả; vừa thông qua quá trình đó tạo ra được các doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp số Việt Nam mạnh trước đó từng được người đứng đầu ngành TT&TT chia sẻ tại phiên tọa đàm của Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 hồi đầu tháng 10/2019.
 
Cũng tại Diễn đàn này, trên cơ sở nhận thức rõ nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hiện đang cơ bản làm những việc giống nhau, “nhà nhà làm, làm cùng một thứ nhưng lại làm không đến nơi”, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết thời gian tới Bộ sẽ phân vai một số các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp nền tảng, với mục tiêu đặt ra là “doanh nghiệp làm cái gì sâu cái đó, không những tốt cho Việt Nam mà còn đi ra toàn cầu được”.
 
20191111-Nam-5.jpg
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử tốt, dẫn đầu và điều này sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp CNTT phát triển, phục vụ cho Việt Nam và từ Việt Nam đi ra nước ngoài (Ảnh minh họa)
 
Cách đây 2 tuần, trong cuộc họp của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong quá trình tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử tốt và dẫn đầu. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp CNTT phát triển, phục vụ cho Việt Nam và từ Việt Nam đi ra nước ngoài”.
Đáng chú ý, tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ 4 công nghệ nền tảng, chủ chốt trong xây dựng Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm chủ được, đó là mật mã của Chính phủ điện tử, nền tảng chia sẻ dữ liệu, điện toán đám mây và an toàn, an ninh mạng.
 
Trong đó, đối với mật mã của Chính phủ điện tử, Bộ trưởng đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ rà soát, đề xuất mật mã dành cho Chính phủ điện tử việc gì sẽ do Ban làm, việc gì định hướng doanh nghiệp làm và những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nào sẽ tham gia vào việc làm chủ mật mã Chính phủ điện tử. Trên cơ sở đề xuất của Ban Cơ yếu Chính phủ, dự kiến trước ngày 15/11/2019 sẽ có cuộc họp giữa Tổ công tác với Ban Cơ yếu Chính phủ để thống nhất vấn đề này.
 
Tập đoàn VNPT được giao nhiệm vụ đề xuất tiêu chuẩn công nghệ liên quan đến nền tảng chia sẻ dữ liệu, trình Bộ TT&TT xem xét, thực hiện ban hành. Cục Tin học hóa có trách nhiệm đề xuất danh sách các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ về nền tảng chia sẻ dữ liệu.
Theo Bộ trưởng, cần phải xem điện toán đám mây (Cloud Computing) là hạ tầng của hạ tầng, do đó trong phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ hạ tầng quan trọng này. Cục An toàn thông tin cần xác định các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được điện toán đám mây cho Chính phủ điện tử.
 
Về phát triển nền tảng Cloud Computing, trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 8/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết: “Cách đây 1 tuần tôi trực tiếp làm việc với một công ty công nghệ Việt Nam, rất vui là doanh nghiệp đó đã cam kết và họ có giải pháp tôi nghĩ là khả thi, đó là đưa ra một cloud Việt Nam đảm bảo an toàn… Cần phải một nền tảng cloud của Việt Nam và do chúng ta làm chủ”.
 
Nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng chính là điều kiện đầu tiên và tiên quyết để xây dựng Chính phủ điện tử tin cậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Cục An toàn thông tin đề xuất danh sách những sản phẩm an toàn, an ninh mạng khuyến nghị cho Chính phủ điện tử, xây dựng tiêu chuẩn liên quan và hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức tham gia cung cấp giải pháp.
 
Thông tin với các đại biểu Quốc hội, người đứng đầu ngành TT&TT cho hay, Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã thống nhất rằng, với các dự án Chính phủ điện tử thì sản phẩm an toàn, an ninh mạng phải của Việt Nam.
 
“Khi làm việc với 20 doanh nghiệp nòng cốt về an ninh mạng thì tất cả các hệ thống đó chúng ta làm hết. Bộ giao nhiệm vụ từng doanh nghiệp, mỗi một sản phẩm về an toàn, an ninh mạng có từ 2 - 3 doanh nghiệp Bộ trực tiếp chỉ đạo. Hiện nay cỡ khoảng 65% chúng ta có rồi, còn 35% phải đầu tư thêm, khoảng 1 năm nữa có thể cơ bản hoàn thành. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể an tâm trong tương lai”, Bộ trưởng chia sẻ.