Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ tư, ngày 24/04/2024

Ngành xuất bản trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0

02/07/2019 10:53 SA
20190702-Nam-9.jpg
Để bắt kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong xuất bản, các NXB cần chủ động chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực đáp ứng yêu cầu mới.
 
Trong thời đại 4.0, phương thức đọc của con người có nhiều thay đổi, ngày càng hướng tới phục vụ nhu cầu của cá nhân, đọc để hưởng thụ và giải trí, thư giãn. Độc giả đã không còn bị động tiếp nhận thông tin, tri thức như trước đây nữa, ngược lại, họ đã trở thành nhân tố đóng vai trò trung tâm, hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn phương thức tiếp nhận thông tin, tri thức. Khi đó, NXB phải lấy việc đáp ứng nhu cầu của độc giả làm mục tiêu cho sự tồn tại và phát triển cũng như tiêu chí đánh giá sự thành công của mình.
Sự giới hạn về không gian và thời gian chính là điểm hạn chế của xuất bản truyền thống. Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của xuất bản, truyền thông số đã khiến cho không gian lưu trữ thông tin, tốc độ chia sẻ, lan tỏa thông tin trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Việc không tốn chi phí in ấn, chi phí lưu thông xuất bản phẩm, chi phí lưu kho… tạo ra những lợi thế đáng kể về giá thành của xuất bản phẩm điện tử so với sách in truyền thống.
Các phần mềm quản trị giúp cho các đơn vị xuất bản thực hiện các nghiệp vụ từ kế toán, bán hàng, quản lý nhân sự… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Không những thế, thói quen tiếp nhận miễn phí nguồn tài nguyên nội dung trên mạng hiện nay đã trở nên hết sức phổ biến, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều và thực tế là nhiều nhà cung cấp nội dung thậm chí đã chuyển đổi các xuất bản phẩm thu phí trước đó thành xuất bản phẩm miễn phí.
 
Trong bối cảnh của thời đại 4.0, các kênh truyền thông trở nên vô cùng đa dạng, cho phép tác giả - độc giả có thể tự kết nối với nhau mà không cần thông qua vai trò của NXB/người làm công tác xuất bản. Các tác giả hoàn toàn có thể tự xuất bản tác phẩm của mình trên mạng internet cũng như độc giả hoàn toàn có thể tự tìm đến các tác giả, tác phẩm mà mình cần. Điều này làm thay đổi cục diện của xuất bản truyền thống vốn chịu sự chi phối mạnh mẽ của các NXB trước đây.
 
Từ đây khi cách mạng 4.0 tiệm cận với ngành xuất bản, chắc chắn rằng nền xuất bản trong tương lai sẽ có những thay đổi, chuyển dịch lớn. Đầu tiên có thể nói tới quy trình xuất bản. Xuất bản số cho phép tối giản hóa các khâu như chế bản, in ấn, phát hành; giúp một số khâu được thực hiện thuận lợi hơn, thu hẹp thời gian thực hiện như lựa chọn đề tài, gia công biên tập, thu thập thông tin theo chủ đề…
 
Thêm nữa, giờ đây việc chuyển tải nội dung thông tin, tri thức không chỉ được thể hiện bằng chữ viết, mà nó cần phải được biểu đạt bằng những hình thức sống động, có chiều sâu hơn như hình ảnh, âm thanh, video nhằm tác động đến các giác quan của con người gồm thị giác, thính giác, xúc giác. Điều này được hiện thực hóa bởi xuất bản điện tử với sự ra đời của những ấn phẩm có tính chất hỗn hợp.
 
Trong xuất bản điện tử, phần lớn nội dung xuất bản hiện nay được thực hiện trên cơ sở số hóa các xuất bản phẩm truyền thống. Các NXB truyền thống vẫn là chủ thể của xuất bản sách điện tử. Do vậy, xuất bản sách điện tử cùng với sách giấy sẽ là xu hướng của hầu hết các NXB. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi, chẳng hạn như bản online của xuất bản phẩm có thể sẽ được xuất bản trước, sau đó mới đến sách giấy. Rất có thể đây sẽ là xu thế xuất bản trong thời gian tới.
 
Cùng với đó sự xuất hiện của mô hình NXB hội tụ, liên minh giữa các NXB hoặc giữa NXB với các đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật. NXB hội tụ được hiểu là mô hình xuất bản hiện đại trong đó có sự hợp nhất giữa các phòng, ban, bộ phận chuyên môn và lãnh đạo, biên tập viên, chuyên viên cùng làm việc trong một không gian mở. Bên cạnh đó, trước sự thống trị của các hình thức truyền thông mạng, có thể hình thành liên minh giữa một số NXB có quy mô vừa và nhỏ hoặc giữa NXB truyền thống với các đơn vị xuất bản số, với các đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật trong thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá các xuất bản phẩm.
 
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đi kèm với cuộc cạnh tranh khốc liệt và làm thay đổi vai trò của các NXB truyền thống lớn trên thế giới như Hachette Book Group, Penguin Random House... Nó thay đổi bởi sự lên ngôi của các trang mạng xã hội, các NXB tên tuổi như Google, Amazon, Apple, Facebook... cho đến hình thức người viết tự xuất bản, tự giới thiệu tác phẩm của mình nhờ sự tiếp sức của “người khổng lồ” Amazon – Kindle (31% sách điện tử là sách tự xuất bản được Amazon bán trên Kindle với dịch vụ đọc sách không giới hạn, và Amazon trả nhuận bút cao gấp đôi, thậm chí gấp ba). Người ta đã tính đến sự chuyển đổi để thích ứng với thời đại mới, đó là sự ra đời của dịch vụ “in theo nhu cầu”.
 
Ở Việt Nam, do độ trễ của một thị trường xuất bản chậm phát triển hơn nên chưa thấy những thách thức trên diễn ra gay gắt như ở các nước phát triển, nhưng cũng đang dần manh nha những sự thay đổi tích cực.