Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 28/03/2024

Chuyển đổi số: Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng đảm bảo an ninh mạng

23/11/2018 09:09 SA
20181123-Nam-2.jpg
Ông Trần Minh Quảng 
Khi chuyển đổi số sẽ đặt ra những thách thức về an toàn thông tin gì cho doanh nghiệp? Những doanh nghiệp chuyển đổi số cần phải chuẩn bị những gì để đảm bảo phòng và tránh được những rủi ro về an toàn thông tin? Những lo lắng về an toàn an ninh mạng đã được đặt ra tại tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo an toàn thông tin trong doanh nghiệp thời chuyển đổi số: Chính sách và giải pháp”, do ICTnews tổ chức mới đây.
 
Trước những băn khoăn này, ông Trần Minh Quảng - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm An ninh mạng Viettel cho biết, các doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nhưng đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức mới về an toàn thông tin, đó là việc đảm bảo các hệ thống dịch vụ hoạt động ổn định, chính xác đồng thời đảm bảo an ninh trên môi trường mạng, là một môi trường mở, không có biên giới rõ ràng, có thể được truy cập bởi tất cả mọi người trên thế giới. Đây vốn là một lĩnh vực mới, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận, nghiên cứu, giải quyết các vấn đề, giảm thiểu rủi ro về an ninh thông tin. Các doanh nghiệp nên chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về các vấn đề bảo mật trong lĩnh vực của mình, đồng thời có sự chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, giải pháp, quy trình và đặc biệt là con người trong việc đảm bảo an ninh thông tin.
 
Cũng theo ông Trần Minh Quảng, nguy cơ về an toàn thông tin là nguy cơ toàn cầu, không riêng cho bất cứ ngành, lĩnh vực nào. Đặc biệt là các lĩnh vực trọng yếu như tài chính, ngân hàng, điện lực, viễn thông… Theo thống kê của Fireeye thì năm 2017, các lĩnh vực ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng nhất tại khu vực APAC đó là Tài chính (39%), Công nghệ cao (10%), Chính phủ (7%)…
 
Đánh giá về hiện trạng công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng tại các doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Trần Minh Quảng cho hay, hiện nay các doanh nghiệp tại Việt Nam về cơ bản đều có những nhận thức nhất định về vấn đề an ninh thông tin đối với các hệ thống của doanh nghiệp. Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng đã và đang được quan tâm bởi khá nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều doanh nghiệp đã trang bị các thiết bị, giải pháp tiên tiến trong việc phòng thủ chống tấn công mạng, đồng thời áp dụng nhiều quy trình, vận hành giám sát an toàn thông tin 24/7.
 
“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng vấn đề này, các biện pháp đảm bảo an ninh thông tin vẫn còn khá thô sơ, chưa đáp ứng được với mức độ phát triển của các hệ thống công nghệ thông tin”, ông Trần Minh Quảng nhấn mạnh.
 
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu không chỉ của cơ quan nhà nước mà còn là của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Tại Hội thảo “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức” do Hội Truyền thông số việt Nam tổ chức tại Hà Nội gần đây, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho rằng, khi thực hiện chuyển đổi số thì khung pháp lý cần phải đi trước một bước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, nếu hành lang pháp lý không theo kịp thì doanh nghiệp dễ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật khi sớm ứng dụng công nghệ mới vào cung cấp dịch vụ.
 
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, hiện nay ngành ngân hàng đang hướng tới chuyển đổi số và là một ngành đi trước một bước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Các ngân hàng đã nhận thức được vấn đề này và đang bắt đầu bằng xây dựng chuyển đổi số bằng việc xây dựng hệ thống ngân hàng lõi, phân tích từng bước quá trình số hóa, ứng dụng hệ thống công nghệ số vào ngân hàng. Ví dụ như các ngân hàng thương mại đã triển khai các ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, quan trọng nhất là sử dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Blockchain.
 
Tuy nhiên quá trình chuyển đổi số các ngân hàng cần nhìn thấy trước một số rủi ro. Trong đó có rủi ro như: Rủi ro về chiến lược, nếu chiến lược sai lầm thì coi như khi thực hiện sẽ hỏng ngay.
 
Rủi ro về pháp lý, nếu khung pháp lý không đi trước 1 bước, không tạo hành lang thuận lợi cho chuyển đổi số, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh các dịch vụ mới ứng dụng chuyển đổi thì dễ các doanh nghiệp dễ vướng vào vi phạm pháp luật.
 
Rủi ro về công nghệ, nếu lựa chọn công nghệ sai lầm sẽ dễ thất bại, nếu đầu tư công nghệ không đến nơi đến chốn, ví dụ như đầu tư big data nhưng chưa có hệ thống an toàn thông tin thì cũng dễ bị rủi ro. Việc lựa chọn sai công nghệ, chưa chuẩn hóa các quy trình cũng tạo kẽ hở cho hacker lợi dụng.
 
Rủi ro về con người, con người là gốc rễ, nếu con người không thay đổi nhận thức, không thay đổi chuyển môn thì quá trình chuyển đổi số cũng có thể gặp nhiều rủi ro.