Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Quy định cấp bậc quân hàm cao nhất của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel

19/10/2018 10:28 SA
20181019-Nam-5.jpg
Từ tháng 1/2018, Tập đoàn Viễn thông Quân đội được đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội,
là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
 
Nghị quyết 562a/2018/UBTVQH14 về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Quốc phòng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào ngày 11/8/2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/9/2018.
 
Cụ thể, quyết nghị về cấp bậc quân hàm cao nhất với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng của Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Nghị quyết 562a nêu rõ, cấp Trung tướng được quy định cho Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh 86; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) tập đoàn Viettel.
Cấp Thiếu tướng được quy định cho Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam; Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 có số lượng không quá ba; Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 86 có số lượng là một; Phó TGĐ Viettel có số lượng không quá ba, gồm: Phó TGĐ là Bí thư Đảng ủy; Phó TGĐ phụ trách Khối Công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; Phó TGĐ phụ trách Khối CNTT và an ninh mạng.
 
Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam là 3 đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng mới được thành lập, tổ chức lại trong năm nay.
 
Trong đó, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được nâng cấp từ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam với mục tiêu phát triển hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đã được Bộ Quốc phòng chính thức ra mắt đầu tháng 1/2018. Cũng trong tháng 1/2018, Bộ Quốc phòng đã công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng.
 
Còn với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, ngày 5/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 05 quy định điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ-Tập đoàn Viettel. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội được đổi tên từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
 
Trực thuộc Bộ Quốc phòng, tập đoàn Viettel chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương; thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng đặc biệt do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tập đoàn Viettel là nhóm công ty gồm công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết, không có tư cách pháp nhân, phối hợp vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; gắn bó chặt chẽ, lâu dài với nhau về nhiệm vụ, lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.
 
Các doanh nghiệp tham gia tập đoàn Viettel được tổ chức và hoạt động kinh doanh độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa Viettel và doanh nghiệp tham gia tập đoàn đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập. Vốn điều lệ của Viettel tại thời điểm thay đổi điều lệ, tổ chức hoạt động (ngày 5/1/2018) là 121.520 tỷ đồng; vốn điều lệ của Viettel giai đoạn từ 2015 đến hết năm 2020 là 300.000 tỷ đồng.
 
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc là người đại diện chủ sở hữu tại Viettel, thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Chủ tịch Viettel do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ Quốc phòng và sau khi có ý kiến thống nhất của tập thể Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Cơ cấu tổ chức quản lý của Viettel gồm Chủ tịch; TGĐ; các Phó TGĐ; Kiểm soát viên; Kế toán trưởng; Bộ máy tham mưu giúp việc, kiểm soát nội bộ. Theo điều lệ, tổ chức hoạt động mới, số lượng Phó TGĐ của Tập đoàn Viettel không vượt quá 5 người; trường hợp cần bổ sung Phó TGĐ, Viettel đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
 
Đầu tháng 8/2018, Viettel đã công bố chiến lược phát triển giai đoạn 4.0. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2030, Viettel đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%, trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về Viễn thông và Công nghiệp công nghệ cao, trở thành top 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030, trong đó top 10 về Viễn thông và CNTT; Top 20 về Công nghiệp Điện tử Viễn thông; Top 50 về Công nghiệp an toàn, an ninh mạng. Cơ cấu doanh thu viễn thông và CNTT chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%, lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.