Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Có thể quản lý Googe, Facebook bằng biện pháp tài chính

07/09/2018 10:20 SA
20180907-Nam-3.jpg
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch công ty VNG. Ảnh: Báo Đầu tư.
Một vấn đề tồn tại hiện này là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trong nước đều phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam, cũng như có trách nhiệm nộp thuế. Tuy nhiên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google hầu như chưa phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp Việt Nam, cũng như chưa chấp hành đóng thuế dù đang khai thác 80% thị trường quảng cáo trực tuyến trong nước. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, còn được gọi là vấn đề “bảo hộ ngược”.  
Tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước tháng 8 của Bộ TT&TT, vấn đề yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam đã trở thành chủ đề nóng được thảo luận. 
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch công ty cổ phần VNG cho biết: "Từ năm 2009 đến 2012, VNG đã triển khai mạng Zing Me để cạnh tranh với Facebook, nhưng sau đó đã quyết định dừng vì không thể cạnh tranh. Kể cả các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft hay Google cũng đã có sản phẩm cạnh tranh với Facebook và đều đã thất bại." 
 
Khi phát triển tới mức đủ lớn, Facebook thống trị thị trường toàn cầu, và đủ tiềm lực tài chính để mua luôn các mạng xã hội mới nổi trên thế giới như Instagram hay SnapChat nhằm củng cố vị thế của họ. 
 
Ông Lê Hồng Minh cho rằng có một điểm bất cập là cơ quan nhà nước đề nghị các doanh nghiệp trong nước có giải pháp cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, nhưng trong công tác quản lý nhà nước thì doanh nghiệp nước ngoài lại không phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng trong nước.  
 
“Ví dụ như vụ đánh bài online Rikvip mới xảy ra gần đây, rất nhiều đơn vị liên quan như doanh nghiệp, nhà mạng, ngân hàng, công ty thanh toán... đều liên đới và bị cơ quan điều tra triệu tập. Tuy nhiên 2 đơn vị trực tiếp lớn nhất tham gia vào vụ việc là các App store phân phối ứng dụng chơi bài này (trên iPhone và điện thoại Android), và Facebook là nơi quảng cáo Rikvip nhiều nhất để thu hút người chơi thì lại không hề bị cơ quan điều tra xử lý hay có trách nhiệm liên đới gì”, ông Minh dẫn chứng.
 
Đã đủ chế tài để quản lý các doanh nghiệp nước ngoài
 
Ông Lê Hồng Minh cho biết các luật hiện hành của Việt Nam đã có đủ để có thể quản lý các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể như Luật Quảng cáo 2012 quy định tất cả các trang tin điện tử nước ngoài kinh doanh quảng cáo tại thị trường Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các dịch vụ quảng cáo của nước ngoài khi kinh doanh tại Việt nam phải được thực hiện thông qua các đơn vị kinh doanh quảng cáo có đăng ký tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại có tới 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chảy vào túi Google và Facebook, nhưng 2 đơn vị này chẳng cần quan tâm tới luật của Việt Nam.  
 
Một ví dụ khác, khi cơ quan quản lý đưa ra yêu cầu về kiểm duyệt nội dung đối với các doanh nghiệp nước ngoài, họ sẽ viện cớ áp dụng theo luật của quốc gia họ đăng ký lập công ty, chẳng hạn ở Mỹ. Thực ra thông tư 38 của Bộ TT&TT đã quy định rõ: Khi các dịch vụ xuyên biên giới vi phạm luật, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo 2 lần, nếu doanh nghiệp nước ngoài không hợp tác sẽ áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn. 
 
Nếu không có chế tài nào được áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề “bảo hộ ngược”. Doanh nghiệp trong nước sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài, nhưng hiện tại chưa được bình đẳng. 
 
Quản lý bằng biện pháp kỹ thuật và tài chính 
 
Ông Lê Hồng Minh cũng đề xuất cơ quan chức năng nên chuyển đổi dần biện pháp quản lý, chuyển từ các biện pháp hành chính như cấp phép, xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép... sang quản lý bằng biện pháp kỹ thuật. “Từ 6 tháng nay, báo chí nói khá nhiều về việc cần có biện pháp ngăn chặn các hình thức thanh toán điện tử trái phép như WechatPay, AliPay, Các bộ ngành cũng đã họp bàn, tìm giải pháp thanh tra kiểm tra nhưng vẫn chưa khả thi. Tuy nhiên, chỉ cần một giải pháp kỹ thuật dùng tường lửa là có thể chặn được các giao dịch thanh toán này”. 
 
Giải pháp thứ 2 là chặn về doanh thu thông qua các cơ quan tài chính của Việt Nam như ngân hàng, các dịch vụ thẻ tín dụng. Việc chặn về doanh thu từ thị trường Việt Nam sẽ tạo nên sức ép để các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook phải hợp tác với cơ quan quản lý và tuân thủ luật pháp Việt Nam.
 
HIện Việt Nam cũng chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, nếu để doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát và khai thác dữ liệu người dùng Việt Nam thì 5 năm tới sẽ rất khó kiểm soát. Chúng ta cần có các quy định pháp lý để kiểm soát, bất kể doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, khi thu thập dữ liệu của người dùng Việt Nam thì phải tuân thủ luật Việt Nam. 
 
Chẳng hạn, Liên minh Châu Âu cũng mới thông qua luật về quyền riêng tư và dữ liệu người dùng. Bất kể doanh nghiệp nào thu thập dữ liệu người dùng châu Âu mà vi phạm luật này sẽ bị phạt theo % doanh thu toàn cầu của họ. 
 
Phát biểu tại hội nghị giao ban QLNN tháng 8/2018, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), cũng đồng tình với ý kiến của ông Lê Hồng Minh về các đề xuất sử dụng biện pháp kỹ thuật và kinh tế đối với những hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài. 
 
Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng bổ sung rằng biện pháp kỹ thuật không có nghĩa là chặn hết toàn bộ các dịch vụ của Google hay Facebook, mà có thể chỉ cần áp dụng đối với dịch vụ nào vi phạm.