Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 29/03/2024

PTIT ra chiến lược phát triển KHCN đến năm 2022 hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0

18/08/2017 11:08 SA
20170818-Nam-3.jpg
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2022, đóng vai trò nòng cốt cho sự phát triển của PTIT, hoạt động khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ việc đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng các yêu cầu của CMCN 4.0 (Trong ảnh: Triển lãm các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của sinh viên PTIT)
 
Nêu rõ giai đoạn tới hoạt động KHCN sẽ đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển của Học viện, bản chiến lược mới được ban hành cũng xác định cụ thể các mục tiêu hoạt động KHCN của trường hướng đến trong 5 năm tới, đó là: Phát triển các bài báo khoa học trong nước và quốc tế cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là các bài báo thuộc danh mục ISI và Scopus; Hình thành một số sản phẩm, dịch vụ KHCN thương mại hóa, chiếm lĩnh được thị trường, tạo sự phát triển bền vững; hoạt động KHCN hỗ trợ cho việc đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.
 
Trong bản chiến lược này, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã để ra một số hướng nghiên cứu trọng tâm tập trung vào 3 lĩnh vực: CNTT, an toàn thông tin, điện tử, viễn thông đa phương tiện; Kinh tế và quản lý; và Khoa học cơ bản.
 
Cụ thể, trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin, điện tử, viễn thông đa phương tiện, Học viện sẽ chú trọng vào việc nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ CMCN 4.0; phát triển các mảng công nghệ mới như: học máy và ứng dụng, trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu lớn, xử lý tri thức; nghiên cứu các hệ phân tán, tính toán hiệu năng cao, điện toán đám mây; nghiên cứu về xử lý ảnh, tiếng nói, ngôn ngữ tự nhiên; an toàn và bảo mật thông tin.
 
Phát triển các sản phẩm ứng dụng di động, sản phẩm phục vụ chính phủ điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh; phát triển sản phẩm CNTT xanh; nghiên cứu công nghệ đa phương tiện, công nghệ thực tại ảo, thực tại tăng cường và ứng dụng; nghiên cứu phát triển các sản phẩm đa phương tiện.
 
Đồng thời, nghiên cứu thiết kế các thiết bị và linh kiện công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), vi mạch điện tử tích hợp (IC), các hệ thống nhúng; nghiên cứu thiết kế các thiết bị đầu cuối điện tử, thiết bị viễn thông thế hệ mới, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; nghiên cứu các công nghệ truyền thông thế hệ mới; nghiên cứu tối ưu hóa mạng viễn thông và Internet; nghiên cứu các công nghệ truyền dẫn, phát sóng, phát thanh, truyền hình tiên tiến, hiện đại; phát triển các hệ thống đo lường điều khiển tự động có độ chính xác cao.
 
Đối với lĩnh vực Kinh tế và quản lýcác hướng nghiên cứu trọng tâm gồm có: nghiên cứu về nền kinh tế số, ứng dụng CNTT, Internet trong hoạt động quản trị doanh nghiệp; đánh giá tác động chính sách quản lý nhà nước, nghiên cứu đánh giá thị trường viễn thông, CNTT và truyền thông Việt Nam; nghiên cứu các hoạt động quản trị và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp ICT; nghiên cứu khoa học marketing, kinh doanh điện tử (e-business); nghiên cứu đổi mới mô hình hoạt động, hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy và xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển Học viện…
 
Còn với lĩnh vực Khoa học cơ bản, Học viện sẽ tập trung nghiên cứu các lĩnh vực toán ứng dụng và tính toán; nghiên cứu thiết kế các bộ thí nghiệm vật lý, mô phỏng các thí nghiệm vật lý để hỗ trợ giảng dạy lý thuyết trên giảng đường.
 
PTIT cho biết, để triển khai chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2017 - 2022, trường cũng đã đề ra các giải pháp chủ yếu như đổi mới cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học (có chế độ đãi ngộ và thu hút nhân tài, xây dựng các Lab nghiên cứu …); đông thời tăng cường tăng cường công tác thông tin KHCN, đầu tư mua sắm, phát triển nguồn lực thông tin KHCN, tăng cường ứng dụng CNTT…
 
Trước đó, trên cơ sở nhận thức rõ CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16. Theo đó, đặt ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cũng như các Viện nghiên cứu, tổ chức, doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giản thiểu tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này với Việt Nam.
 
Tại Chỉ thị này, cùng với nhiệm vụ thúc đẩy triển khai giáo dục STEM trong chương trình phổ thông, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ GD&ĐT nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi và những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.