Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Các nhà xuất bản: Nơi ăn nên làm ra, nơi thoi thóp chờ tiếp sức

26/04/2017 09:09 SA
20170426-Nam-5.jpg
NXB Trẻ là đơn vị đạt doanh thu cao trong các hội sách TPHCM. Ảnh: B.N
Chênh lệch lớn giữa các NXB
 
Tại hội nghị các nhà xuất bản (NXB), chi nhánh NXB, Cty liên kết xuất bản và phát hành sách tại TPHCM và các tỉnh phía Nam do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức mới đây, vấn đề sống còn của một số NXB được nhiều người quan tâm. Theo ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam - năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh doanh của các NXB nhìn chung đã có tiến triển so với năm 2015. Tổng doanh thu đạt 2.201,375 tỉ đồng (tăng 2,7% so với năm 2015), nộp ngân sách 68,550 tỉ đồng (tăng 1,2% so với năm 2015), lợi nhuận (sau thuế) của các NXB đạt khoảng 148,986 tỉ đồng (tăng 48,5% so với năm 2015).
 
Một số NXB đạt được chỉ tiêu đề ra, doanh thu tăng hơn so với năm 2015, như: NXB Trẻ (13,3 tỉ đồng), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật (18,5 tỉ đồng), NXB Kim Đồng (28 tỉ đồng), NXB Giáo dục Việt Nam (67,8 tỉ đồng).
 
Một số NXB duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi, như: NXB Quân đội Nhân dân, NXB Tư pháp, NXB Tổng hợp TPHCM, NXB Thông tin và Truyền thông, NXB Phương Đông, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, NXB Đại học Kinh tế quốc dân, NXB Văn hóa Dân tộc, NXB Thế giới, NXB Giao thông Vận tải, NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM...
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số NXB kinh doanh kém hiệu quả, doanh thu chưa đảm bảo, như: NXB Thể dục Thể thao (-205 triệu đồng)...
 
19 NXB lao đao
 
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, đến cuối năm 2016, trong tổng số 60 NXB thì có đến 19 đơn vị không đảm bảo kinh phí tối thiểu 5 tỉ đồng để duy trì hoạt động. Đó là: NXB Nông nghiệp, NXB Thanh Hóa, NXB Hải Phòng, NXB Thuận Hóa, NXB Nghệ An, NXB Phương Đông, NXB Đồng Nai, NXB Văn học, NXB Thế giới, NXB Thể dục Thể thao, NXB Công Thương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, NXB Tôn giáo, NXB Tri thức, NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ, NXB Khoa học xã hội, NXB Tài chính.
 
Một số NXB được xếp vào hàng làm ăn có lãi, song làm sao đủ mức vốn 5 tỉ đồng để được cấp đổi giấy phép. Thế nên mới có hiện tượng một số NXB được nhắc tên ở cả hai bảng làm ăn được và không đủ kinh phí duy trì hoạt động.
 
Cũng theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, một số cơ quan chủ quản chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho NXB, dẫn đến tình trạng cho đến nay vẫn còn 21 NXB không đảm bảo được các điều kiện để duy trì hoạt động (về nhân lực lãnh đạo, kinh phí hoạt động). Cụ thể: 3 NXB thiếu chức danh lãnh đạo: NXB Hà Nội thiếu Tổng Biên tập, NXB Y học thiếu Giám đốc.
 
Trong số 27 NXB chưa được cấp đổi giấy phép thành lập, có cả những NXB đủ điều kiện nhưng chưa làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép thành lập như NXB Trẻ. Hoặc một số NXB mặc dù đã được cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở về việc bổ sung một số giấy tờ liên quan trong hồ sơ nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện để thực hiện việc cấp đổi giấy phép thành lập, như: NXB Phụ nữ, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, NXB Đại học Nông nghiệp, NXB Xây dựng.
 
Năm 2016, trung bình mỗi NXB được chủ quản đặt hàng 300 triệu đồng, nhưng nhiều đơn vị vẫn gặp khó khăn vì không được cơ quan chủ quản đặt hàng thường xuyên như NXB Văn học, NXB Hải Phòng, NXB Nông nghiệp…Thế nên không ít NXB ngồi chờ cấp giấy phép cho các đơn vị tư nhân là chính, không tự thân vận động để làm ra sách hay, đáp ứng nhu cầu độc giả.
 
Tìm lối ra
 
Có những đơn vị chủ quản không đủ kinh phí để hỗ trợ cho các NXB. Chính vì thế, không ít NXB mong muốn xin được cơ chế chuyển từ đơn vị sản xuất kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp hoặc cổ phần, đỡ phải xin ngân sách nhà nước.
 
Trong khi 45% các NXB hiện nay không đủ điều kiện hoạt động và đứng trước nguy cơ giải thể, thì các công ty sách tư nhân lại phát triển khá mạnh, chiếm lĩnh ưu thế. Câu hỏi đặt ra là tại sao không mạnh dạn giải thể những cỗ máy xuất bản trì trệ, thay vào đó phát triển mô hình mới có sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân để hoạt động hiệu quả và quy mô hơn? Bởi hiện nay, tỉ trọng sách tư nhân thực hiện liên kết đã chiếm hơn 80%.
 
Hơn thế nữa, quy định về điều kiện cấp đổi giấy phép là phải có 5 tỉ đồng vốn là quá khó với không ít NXB. Thế nên có trường hợp NXB phải vay cơ quan chủ quản để có đủ 5 tỉ, nhưng sau đó phải trả lại vì sợ để trong tài khoản thì phải trả lãi.
 
Mặt khác, Hội Xuất bản Việt Nam cũng có đề nghị Bộ TTTT, Cục Xuất bản, In và Phát hành rà soát các quy định trong văn bản hiện hành để chỉnh sửa, bổ sung, sửa đổi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp thực tiễn hoạt động xuất bản, mạnh dạn cắt giảm các thủ tục không cần thiết…