Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Đào tạo nhân lực CNTT cũng cần có sự phân tầng

26/04/2017 09:03 SA
20170426-Nam-4.jpg
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng (người ngồi giữa), ngay trong các doanh nghiệp CNTT, không phải tất cả doanh nghiệp đều đi chuyên sâu vào những lĩnh vực đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực trình độ rất cao, do đó trong đào tạo nhân lực CNTT cũng cần có một sự phân tầng hợp lý (Ảnh minh họa)
 
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2017, Chính phủ nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là xu hướng phát triển dựa trên nền tảng số hóa và kết nối, có quy mô tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất trong tương lai, có thể mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời cũng đưa đến thách thức đối với quá trình phát triển.
 
Nghị quyết này cũng nêu rõ: “Việt Nam cần chủ động có định hướng, giải pháp thiết thực để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, trước hết là có bước đột phá về CNTT”.
 
Nhiều chuyên gia có chung quan điểm xây dựng nguồn nhân lực số là một trong những việc mà Việt Nam cần tập trung để có thể bắt kịp “con tàu” CMCN 4.0. Trong chia sẻ tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và công bố, trao Danh hiệu Sao Khuê 2017 diễn ra hồi giữa tháng 4, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 bằng những hành động thiết thực, cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Cần phải làm rất nhiều việc nhưng chắc chắn rằng chúng ta phải có một bước phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn rất nhiều 15 năm hay 20 năm trước đây về CNTT”.
 
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một việc nhất định phải làm là thay đổi có tính cách mạng về đào tạo nhân lực CNTT để sao tăng số lượng những người làm CNTT hiện còn ít ỏi, với khoảng hơn 600.000 người, trong đó trực tiếp làm CNTT chỉ khoảng 300.000 người. “Phải làm sao trong một thời gian ngắn nhất nâng con số này lên gấp đôi, gấp ba; giải quyết được câu chuyện hàng trăm kỹ sư, cử nhân học các ngành nghề khác không tìm được việc làm thì trong lĩnh vực CNTT nhiều doanh nghiệp vẫn không có nhân lực”, Phó Thủ tướng nói.
 
Câu chuyện thực trạng đào tạo nhân lực CNTT, mức độ sẵn sàng của đội ngũ nhân lực CNTT cho CMCN 4.0 nói chung, cho việc triển khai áp dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Big Data... nói riêng là một trong những vấn đề được các chuyên gia bàn luận tại sự kiện công bố triển khai ứng dụng, đào tạo về Điện toán biết nhận thức tại Việt Nam được tổ chức ngày 20/4 vừa qua.
 
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, về nguồn nhân lực CNTT, theo Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2015, Việt Nam có khoảng 600.000 người làm trong các lĩnh vực CNTT, bao gồm cả phần cứng, phần mềm và nội dung số. Trong đó, nhân sự làm phần mềm có khoảng 300.000 người. “Có một câu chuyện là, hiện nay nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đang làm trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, tức là chúng ta "outsourcing" phần mềm cho các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thắng chia sẻ.
 
Nói về thị trường lao động ngành CNTT, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho hay, quan điểm của ông và nhiều đồng nghiệp ở các trường đại học là cần phải nhận thức rõ về level - thứ bậc, nhu cầu về nhân lực; không phải tất cả nhân lực được đào tạo ra, chúng ta đòi hỏi 100% đều là những nhân lực có kiến thức rất chuyên sâu, chất lượng cao.
 
“Bởi lẽ, thực tế sử dụng lao động CNTT, với những công việc cụ thể tại các doanh nghiệp làm về gia công phần mềm, cần có những nhân sự có trình độ nghiên cứu ở mức độ nhất định nhưng lại đòi hỏi phải có các kỹ năng chuyên sâu để có thể phát triển phần mềm, coding… Trong khi đó, nhiều công việc khác lại yêu cầu những nhân lực rất chuyên sâu về thuật toán, trí tuệ nhân tạo, sự kết nối IoT… Như vậy rõ ràng nhu cầu đào tạo là khác nhau”, ông Thắng phân tích.
 
Từ những phân tích trên, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, nhà trường, doanh nghiệp và cả Chính phủ cần phải hoạch định rất rõ về mặt chiến lược là phải có sự phân tầng trong đào tạo nhân lực CNTT như thế nào: “Nhà nước đã nói đến sự phân tầng trong giáo dục, tức là đào tạo ra không phải tất cả đều là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư mà chúng ta cũng cần cả những nhân lực ở bậc trung cấp, cao đẳng. Trong lĩnh vực đào tạo hiện nay, không chỉ với đào tạo nhân lực CNTT, những người làm giáo dục đại học chúng tôi đều nghĩ đến sự phân tầng ngay trong những người học của trường mình”.
 
Lấy thực tiễn của ĐH Bách khoa Hà Nội để minh chứng cho ý kiến của mình, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng thông tin: hiện nay, hàng năm trường tuyển sinh từ 2.000 - 2.500 sinh viên vào các nhóm ngành đào tạo liên quan đến CNTT gồm Điện, Điện tử Viễn thông, Toán - Tin ứng dụng và CNTT&TT. Theo thống kê, khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp các nhóm ngành này ra đi làm ở các doanh nghiệp; 10% sinh viên mong muốn học tiếp và 10% sinh viên đi làm ở khối cơ quan nhà nước.
 
“Ngay trong các doanh nghiệp - nơi sử dụng số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp các nhóm ngành liên quan đến CNTT, không phải tất cả các doanh nghiệp đều đi chuyên sâu vào những lĩnh vực đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực có trình độ rất cao, do đó tôi nghĩ rằng trong đào tạo nhân lực CNTT cũng cần có một sự phân tầng hợp lý”, ông Thắng cho biết thêm.
 
Quan điểm cần phải có sự phân tầng trong đào tạo nhân lực ngành CNTT còn được PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhìn nhận ngay trong câu chuyện hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai đào tạo, ứng dụng các công nghệ mới như Điện toán biết nhận thức của IBM.
 
Vị Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng trong số 80% các sinh viên tốt nghiệp ra đi làm tại các doanh nghiệp, chỉ cần khoảng 10 - 20% có mong muốn đào sâu nghiên cứu để trở thành những chuyên gia giỏi trong một số lĩnh vực nhất định. Cùng với các thầy của mình, ngay khi còn đang học tại trường, những sinh viên này sẽ bắt đầu đầu tư, hướng tới một số lĩnh vực, trong đó có Điện toán biết nhận thức, sử dụng những công nghệ nền tảng như của IBM”.
 
Chia sẻ về định hướng đào tạo chung của ĐH Bách khoa Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng cho biết, điểm đầu tiên cũng là phần cốt lõi trong đào tạo của trường là chương trình đào tạo luôn bám sát, bắt kịp với xu hướng trên thế giới để sao cho các sinh viên có kiến thức nền tảng tốt.
 
Đồng thời, theo ông Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng yêu cầu sinh viên tham gia nhiều hoạt động hơn, sử dụng tiếng Anh nhiều hơn trong học tập để các em nâng cao kỹ năng ngoại ngữ. Cùng với đó, trong chương trình đào tạo, trường cũng đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp nhiều hơn, qua đó giúp các sinh viên tiến gần hơn ra thị trường.
 
“Ví dụ như, trong hợp tác với Five9 triển khai đào tạo công nghệ Điện toán biết nhận thức của IBM, không phải là thị trường lớn, rộng mà các sinh viên sẽ có điều kiện tiếp cận với một thị trường hẹp hơn, đòi hỏi các em có những kỹ năng về nghiên cứu tốt hơn, khả năng ngoại ngữ tốt hơn và có tác phong triển khai nghiên cứu sâu hơn so với những sinh viên làm các việc khác”, ông Thắng nói.
 
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định, với định hướng, mô hình đào tạo đang được ĐH Bách khoa triển khai, các sinh viên tốt nghiệp các nhóm ngành liên quan đến CNTT của trường được trang bị đầy đủ các khối kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai, gồm các kiến thức kỹ năng chung, nền tảng; kiến thức định hướng công nghệ và làm chủ công nghệ; đồng thời sinh viên cũng nâng cao được khả năng ngoại ngữ và được sớm tiếp cận, làm quen với môi trường doanh nghiệp.
 
Theo kết quả một khảo sát được Phòng Công tác chính trị & Công tác sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện từ tháng 12/2016 đến tháng 1/2017, 91% sinh viên của trường có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp, 4% sinh viên học tiếp và chỉ 5% sinh viên sau 6 tháng ra trường chưa có việc làm. Khảo sát này cũng cho thấy, về vị trí việc làm của sinh viên, 47% làm ở vị trí kỹ sư thiết kế, phát triển; 11% làm giữ vị trí kỹ sư lắp đặt, vận hành, bảo trì; 6% làm về tư vấn, quản lý dự án; 11% làm ở vị trí quản lý sản xuất, sản phẩm; 6% làm về kinh doanh, bán hàng kỹ thuật; 6% làm giảng dạy, nghiên cứu; và 13% là tỷ lệ sinh viên làm ở các vị trí công việc khác.