Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 16/04/2024

ITL Corp "bắt tay" VNPost phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

24/04/2017 10:55 SA
20170424-Nam-2.jpg
ITL Corp ký kết hợp tác chiến lược cùng VNPost trong việc phát triển dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới.
 
Đây được coi là bước ngoặt của hai bên trong cuộc “tấn công” vào xu hướng kinh doanh trực tuyến đầy tiềm năng và là trào lưu “hot” nhất hiện nay. Với liên doanh này, hai bên hướng đến mục tiêu biến Việt Nam thành một trung tâm thương mại điện tử xuyên biên giới của khu vực.
Kết quả khảo sát 2016 của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin, trong khối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cho thấy: 32% doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn TMĐT quốc tế và 49% có trang web. Với mô hình này, nhà sản xuất có thể phân phối hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng, không phải qua bất cứ khâu trung gian nào. Với sự tác động của cuộc Cách Mạng Công Nghệ (CMCN) 4.0 hiện nay, biên giới địa lý trong giao dịch thương mại toàn cầu đang dần bị xóa bỏ. TMĐT xuyên biên giới (CBE) đang chiếm tỷ lệ 21% trong tổng doanh thu TMĐT toàn cầu. Chính vì vậy, năm 2017 được coi là năm có thể kỳ vọng vào sự đột phá của TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam. Tuy nhiên, rào cản và cũng là thử thách lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới là chi phí logistics, thủ tục hải quan và pháp lý.
 
Là công ty logistics duy nhất giữ vững thành tích trong Top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất và 17 năm liền có mặt trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, văn phòng có mặt tại 5 quốc gia Đông Nam Á với hơn 1,500 nhân viên, ITL Corp đã bắt đầu chuyển hướng đẩy mạnh sang đầu tư vào thương mại điện tử (ecommerce logistics) kể từ năm 2015. Với lợi thế dẫn đầu trong lĩnh vực vận tải hàng không (air logistics) khi chiếm đến 17% thị phần quốc tế tại Việt Nam, ITL Corp sẽ giúp VNPost trong khai thác dịch vụ bưu chính nội địa và quốc tế. Cùng với đó, ITL Corp là một trong những đơn vị 3PL hàng đầu Việt Nam cung cấp toàn diện các dịch vụ logistics và sự thông suốt các thủ tục hải quan, khai báo thuế, ITL Corp sẽ giúp doanh nghiệp tham gia vào hình thức thương mại mới này không còn phải lo ngại các rào cản thủ tục.
 
Trong khi đó, VNPost là tập đoàn số 1 trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông với mạng lưới giao nhận phủ khắp 63 tỉnh thành, 13.000 tuyến phát hàng hóa với 700 bưu cục khắp các địa phương và lực lượng nhân viên lên đến 40 nghìn nhân sự và quy trình vận hành chuẩn hóa. Với lợi thế này, sản phẩm của liên doanh giữa ITL Corp và VNPost sẽ giúp giảm thiểu được rất nhiều khâu không tạo ra giá trị cho khách hàng. Từ đó giảm chi phí giao dịch, người mua, người bán dễ dàng đạt được giá trị tốt hơn.
 
Dự kiến, thời gian đầu, liên doanh giữa VNPost và ITL Corp sẽ triển khai dịch vụ vận chuyển xuyên biên giới bằng xe tải giữa Việt Nam và Trung quốc do ITL Corp khai thác cho hàng thương mại điện tử nhằm cung cấp một giải pháp nhanh chóng và cạnh tranh nhất.
 
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc VNPost đánh giá cao vị trí của ITL tại Việt Nam về cả đường bay, đường bộ và mối quan hệ các nước trên thế giới và hi vọng hợp tác giữa hai bên sẽ cụ thể hóa nhanh, cùng nhau giải bài toán chi phí. VNPost đã được cấp phép cung cấp dịch vụ vận chuyển quá giang, theo đó đơn vị này mong muốn cùng các doanh nghiệp Việt đưa Việt Nam trở thành một trung tâm (hub) trung chuyển hàng hóa nữa ở châu Á. 
 
Nói về hợp tác giữa ITL Corp và VNPost, ông Ben Anh, CEO group của ITL Corp cho biết “Cùng hướng đến mục tiêu biến Việt Nam thành một trung tâm thương mại điện tử xuyên biên giới của khu vực, ITL Corp và VNPost sẽ phát huy lợi thế của đôi bên để cung cấp dịch vụ hậu cần đầu cuối xuyên suốt cho khách hàng từ lúc sản phẩm xuất xưởng cho đến tay người dung. Với mạng lưới bưu chính, viễn thông top đầu của VNPost cùng thế mạnh về dịch vụ 3PL hàng đầu Việt Nam, cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics, đặc biệt là mảng hàng không của ITL Corp thì liên doanh này hứa hẹn sẽ góp phần đẩy nhanh sự phát triển của thị trường TMĐT xuyên biên giới”.