Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 25/04/2024

Chuyện về người thương binh hơn 33 năm sát cánh cùng những cánh thư

04/04/2017 09:53 SA
20170404-Nam-9.jpg
Ông Võ Văn Toản đã có hơn 33 năm tận tụy với nghề bưu tá
 
Từ người lính đến người phụ trách Bưu điện văn hóa xã
Sau khi học xong lớp 9, tháng 4/1970, ông Võ Văn Toản (SN 1952, trú tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, Nghệ An) gác sách vở lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc.
Năm 1971, ông Toản được sắp xếp vào Tiểu đoàn D.60A, đoàn 230, chiến trường B2 (tỉnh Tây Ninh – Sông Bé) thời bấy giờ để chiến đấu.
Trong một lần đi lấy hàng cho đơn vị, ông đã bị trúng đạn của giặc Mỹ vào vùng đầu và tay nhưng may mắn được đồng đội cứu sống, sau đó ông được xác định bị thương tật với tỉ lệ 27 %.
Đến năm 1973, ông Toản tiếp tục được điều xuống vùng Đồng Tháp 10 (vùng sông Tiền – sông Hậu) để chiến đấu, tại đây, ông đã vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 2/1976, trong một lần về phép ngắn ngủi, người lính trẻ ấy đã bén duyên với một cô gái cùng địa phương, lễ cưới tuy đạm bạc nhưng tràn đầy niềm vui, hạnh phúc của đôi lứa.
Kết thúc 2 tháng nghỉ phép, ông tiếp tục vào công tác ở đoàn 84, binh trạm đầu cầu B2, Xuân Lộc - Long Khánh (Đồng Nai). Tháng 1/1977, ông Toản về phục viên tại quê hương.
Mang trên mình thương tật, ông Toản được địa phương bố trí làm ở tổng đội thông tin văn hóa của xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu. Đến năm 1984, ông được phụ trách Bưu điện văn hóa xã Diễn Cát (thuộc Bưu điện huyện Diễn Châu) từ đó đến nay (năm 2017).
 
Người thương binh luôn tận tụy với nghề
 
Trải qua hàng chục năm làm bưu tá, với nhiều thăng trầm trong cuộc sống. chiếc xe đạp cũ kỹ, những con đường thân quen trong địa phương đều ghi dấu ấn của người thương binh luôn tận tụy với nghề.
Đến năm 1989, sau khi dành dụm được ít tiền, cùng với sự hỗ trợ của UBND xã Diễn Cát và Bưu điện huyện Diễn Châu (mỗi đơn vị 2 triệu đồng), ông Toản đã mua được chiếc xe máy trị giá gần 10 triệu đồng để thuận tiện cho công việc phân phát các tài liệu, công văn... cho địa phương.
Khi được chúng tôi hỏi về chuyện thu nhập, ông Toản chỉ cười xoà: "Thì vẫn trông vào mấy sào ruộng ngoài đồng là chính thôi, chứ hơn 800 ngàn đồng mỗi tháng (chưa kể các khoản doanh thu, hoa hồng) thì cũng chẳng được là bao. Nhưng cái nghề đã gắn bó với mình rồi thì không dứt ra được, tôi cảm thấy rất vinh dự khi được đóng góp công sức của mình để đem niềm vui cho bà con".
Được biết, toàn xã Diễn Cát có 9 xóm với 15 chi bộ (bao gồm các trường học, trạm y tế), hằng ngày buổi sáng ông Toản đều đi nhận báo, công văn, bưu phẩm... khi xong xuôi không kể buổi trưa đều đi phát cho người dân ở các xóm, các chi bộ cho kịp. Có những hôm khi phát xong rồi lại có công văn của xã chuyển về các thôn nên ông lại quay vòng một lần nữa.
Bà Tăng Thị Hương – Bí thư Đảng ủy xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu cho biết: “Bác Toản làm bưu tá đã hơn 30 rồi, bác rất gần dân, gần quần chúng. Tuy chế độ chẳng đáng là bao, gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác văn thư, đưa thư, đưa báo... trong địa phương bác luôn hoàn thành tốt nhiều vụ".
Hơn 33 năm gắn bó với nghề, hàng triệu lá thư, hàng nghìn Bưu phẩm, bưu kiện chở nặng những niềm vui, nỗi buồn, sự yêu thương, trân trọng ... qua tay ông là những thông điệp nhỏ mang ý nghĩa rất lớn, niềm vui đã nhân lên và nỗi buồn được chia sẻ.
Cũng chính vì thế, ông Toản đã được Bưu điện tỉnh Nghệ An, Bưu điện huyện Diễn Châu cùng địa phương tặng nhiều bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác.
Ông Lê Văn Hoa – Giám đốc Bưu điện huyện Diễn Châu chia sẻ, "với nhiều năm công tác, bác Võ Văn Toản luôn nhiệt tình và tận tụy với nghề, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công việc, luôn được đồng nghiệp trân trọng và quý mến".
Dù có vất vả đến đâu, nhưng sự trung thực, lòng quyết tâm và cái chất của người lính bộ đội cụ Hồ đã làm cho những khách hàng thêm yêu mến và hài lòng với người bưu tá tận tụy Võ Văn Toản. Đó cũng là niềm vui, động lực tốt nhất để ông cống hiến và phục vụ hết mình cho ngành Bưu chính Việt Nam ngày càng phát triển.