Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của VNPT tại 4 doanh nghiệp

24/02/2017 10:19 SA
20170224-Nam-2.jpg
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của Bộ TT&TT đối với trường hợp thoái vốn tại P&T Hotel để sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế thoái vốn tại các doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
 
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về giải pháp đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết của Tập đoàn VNPT.
 
Theo Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của Bộ TT&TT và ý kiến của các Bộ Tài chính, KH&ĐT về vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất, kiến nghị của Bộ TT&TT đối với trường hợp thoái vốn tại Công ty cổ phần Khách sạn Bưu điện Khánh Hòa (P&T Hotel) để sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (Nghị định 91) cho phù hợp với thực tế thoái vốn tại các doanh nghiệp.
 
Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT căn cứ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 để thực hiện thoái vốn tại P&T Hotel, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và theo đúng quy định của pháp luật.
 
Đối với việc thoái vốn tại Công ty cổ phần xây lắp và phát triển dịch vụ Bưu điện Quảng Nam (QTC), Công ty cổ phần Hacisco (HAS), Công ty cổ phần điện nhẹ kỹ thuật viễn thông (LTC), Phó Thủ tướng chỉ đạo thực hiện theo quy định hiện hành.
 
“Trường hợp thoái vốn tại QTC, HAS, LTC theo phương thức khác hiệu quả hơn so với phương thức hiện hành, Bộ TT&TT so sánh, đánh giá để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
 
Theo Nghị định 25/2016/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của tập đoàn VNPT được Chính phủ ban hành ngày 6/4/2016, Công ty cổ phần Khách sạn Bưu điện Khánh Hòa, Công ty cổ phần xây lắp và phát triển dịch vụ Bưu điện Quảng Nam, Công ty cổ phần Hacisco và Công ty cổ phần điện nhẹ kỹ thuật viễn thông là 4 trong 50 đơn vị VNPT tiến hành thoái vốn.
 
Liên quan đến việc triển khai thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành, hồi tháng 12/2016, VNPT đã cho biết, tính đến cuối năm ngoái, VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 16 danh mục, vốn đầu tư của tập đoàn tại các doanh nghiệp khác. Trên sổ sách, VNPT đã thoái vốn được 602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng đầu tư trên sổ sách. Tổng giá trị thu về được 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.
 
Đồng thời, tập đoàn này khi đó cũng cho biết đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 16 danh mục theo phương thức tích tụ, thực hiện thoái vốn tại 36 danh mục theo phương thức thoái vốn trực tiếp (khớp lệnh, thỏa thuận, đấu giá, sáp nhập, giải thể). Tuy nhiên, theo VNPT, việc triển khai tại các đơn vị này khá khó khăn, tập đoàn đã thực hiện thủ tục công bố bán cổ phần nhiều lần nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.
 
Thời gian qua, Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng đã nhiều lần báo cáo với Bộ TT&TT về việc VNPT gặp khó khăn trong việc thực hiện thoái vốn tại nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp. Đánh giá về những việc chưa hoàn thành khi triển khai tái cơ cấu VNPT trong 2 năm qua, ông Trần Mạnh Hùng cho hay: “Triển khai thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành, việc giảm tích tụ vốn của VNPT trong khối công ty cổ phần chưa hoàn thành, việc sắp xếp lại khối bệnh viện cũng chưa hoàn thành".