Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Lãnh đạo báo chí than khó khi làm báo chống suy thoái, tiêu cực

09/01/2017 10:50 SA
20170109-Nam-8.jpg
Chủ trì tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã trực tiếp lắng nghe những kiến nghị từ phía báo giới để báo chí phát huy tốt hơn vai trò phòng chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Kênh quan trọng chống suy thoái, tiêu cực
 
Tọa đàm "Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" vừa được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều 6/1/2016, ở Hà Nội, 
 
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao vai trò của báo chí là phương tiện cung cấp thông tin, kiến thức về công tác chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, giúp mỗi cán bộ, Đảng viên, nhân dân thấy thái độ quyết tâm, không khoan nhượng của Đảng với sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống. 
 
Báo chí đã phát hiện, dũng cảm đấu tranh, là kênh thông tin quan trọng để các cơ quan vào cuộc chống các biểu hiện suy thoái chính trị, tham nhũng. Ngoài ra, báo chí cũng là kênh để biểu dương khích lệ người tốt việc tốt trong đấu tranh phòng chống suy thoái, tiêu cực.
 
Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức tới việc tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là liên quan công tác xây dựng Đảng, chống suy thoái trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên. Một số cơ quan thông tấn báo chí có thể quan tâm nhưng cách tuyên truyền giới thiệu chủ trương chính sách của Đảng còn khô cứng nên chưa thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, Đảng viên; khó tiếp thu nên chưa thấm sâu được.
 
Đồng quan điểm nêu trên, ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương lưu ý thêm: “Báo chí có vai trò và sức mạnh lớn trong việc phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính xác, khách quan, trung thực, trong thời gian qua, một số cơ quan truyền thông đưa tin thiếu chính xác, mang tính suy diễn, chủ quan, đưa tin một chiều, làm giảm lòng tin của công chúng báo chí và các cơ quan chức năng. 
 
Thậm chí một số cơ quan báo chí còn đứng đằng sau “nhóm này”, “phe kia” để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Cũng có việc dùng báo chí để “hạ bệ người này, nâng đỡ người kia”. Tất cả các việc đó dẫn đến làm sai lệch bản chất vụ việc, gây nhiễu thông tin, để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc xem xét, xử lý”.
 
Nhiều khó khăn đối với người làm báo chống suy thoái, tiêu cực
 
Đại diện cho những người làm báo, ông Phùng Sưởng, Phó Tổng ​biên tập báo Tiền Phong phân tích rõ một loạt khó khăn, vướng mắc của báo chí trong công cuộc đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. 
 
Đáng chú ý, nhiều người dân và cán bộ công chức làm trong các cơ quan nhà nước ngại va chạm, sợ bị trù dập, không dám tố cáo các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền. Bên cạnh đó cũng còn phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức.
 
Báo chí còn gặp khó khăn do cơ chế công khai, minh bạch còn hạn chế. Nhiều vụ việc, báo chí muốn có thông tin khách quan đa chiều, từ các bên liên quan nhưng rất khó tiếp cận để lấy ý kiến, thậm chí có nơi trả lời nhưng lại đề nghị giấu tên, khiến cho giá trị thông tin bị giảm đi rất nhiều. 
 
Đơn cử, trong vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh, ngay sau khi báo chí phản ánh, Tổng Bí thư có chỉ đạo, nhiều cơ quan báo chí đã đề nghị một số cơ quan chức năng trong đó có Bộ Nội vụ cho biết rõ quy trình bổ nhiệm, luân chuyển ra sao, nhưng không được đáp ứng. Bộ Nội vụ cũng không tổ chức họp báo để cung cấp thông tin một cách khách quan, đa chiều về vụ việc. Việc các cơ quan chức năng né tránh cung cấp thông tin có thể khiến báo chí chùn tay, chán nản trong việc theo đuổi, đi tới cùng vụ việc.
 
Mặt khác, quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan báo chí giám sát và phản ánh. Đơn cử như việc kê khai tài sản, theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng thì đây vẫn là việc “bí mật”, chỉ công khai tại cơ quan, đơn vị hoặc công khai tại cuộc họp (hầu hết các cơ quan, đơn vị lựa chọn hình thức công khai tại cuộc họp). Trong trường hợp báo chí phản ánh công khai các bản kê khai tài sản thì có bị coi là vi phạm pháp luật không? Nếu báo chí không được giám sát, không được phản ánh thì làm sao có thể phát hiện ra những trường hợp kê khai không trung thực?
 
“Chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là lĩnh vực khá trừu tượng vì khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng thì việc báo chí nêu vụ việc liên quan tới suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống khá rủi ro, nguy hiểm”, ông Phùng Sưởng chia sẻ.
 
Đề xuất giải pháp tháo gỡ
 
Để phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tiêu cực, suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong kiến nghị: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các cuộc vận động toàn dân tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền cũng như đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, qua đó hình thành một phong trào đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân và các cơ quan nhà nước; Trong nhiều trường hợp, khi báo chí phản ánh các vụ việc có biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nên đồng hành cùng báo chí, chẳng hạn như có thể tiến hành giám sát vụ việc, hoặc yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân đó có báo cáo, giải trình...
 
Liên quan tới giải pháp tháo gỡ khó khăn cho báo chí viết về phòng chống suy thoái, tiêu cực, Đại tá Trần  Kim Thẩm, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân cho rằng: Để việc tuyên truyền có hiệu quả, phải đảm bảo tính kịp thời, tổ chức theo từng đợt với các chủ điểm cụ thể. Các đợt tuyên truyền cần phải làm bài bản, liều lượng cao và có độ nhấn, chiều sâu, nhất là các đợt sau phải đi vào việc xử lý cụ thể, nếu không sẽ dễ rơi vào tình trạng “nóng đầu, nguội sau”, khiến người dân ít quan tâm.
 
Bên cạnh đó, cần có chế độ, chính sách hợp lý về tài chính đối với người viết mảng đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực; Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT cần có hình thức đánh giá, khen thưởng những báo làm tốt và phê bình những báo chưa quan tâm đến lĩnh vực này.
 
“Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đấu tranh chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, cần phải thường xuyên trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ lý luận cho đội ngũ báo chí. Đặc biệt, trong nội bộ báo chí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng vô cùng tinh vi, phức tạp, cần đấu tranh phòng ngừa các biểu hiện này, giúp những người làm báo tự soi mình và chấn chỉnh đội ngũ”, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam, khuyến nghị thêm.