Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Mong Bưu điện là "cánh tay nối dài" của nhà nước khi triển khai TTHC công

16/12/2016 13:35 CH
20161216-Nam-7.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và các quan khách thực hiện nghi thức nhấn nút khai trương dịch vụ.
 
Hướng tới nền bưu chính hiện đại, vì người dân
 
Sáng 16/12/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và khai trương dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI).
 
Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 19/10/2016 nhằm góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan hành chính, tăng cường sự công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. 
 
Đây là bước tiến mới trong cải cách hành chính ở Việt Nam so với thực tế hiện nay.
 
Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Theo số liệu chính thức mới nhất, cả nước đã có 124.355 thủ tục hành chính. Đã có nhiều giải pháp được triển khai như cơ chế 1 cửa, trung tâm dịch vụ công... để những thủ tục này đến với người dân thuận tiện nhất, người dân tiết kiệm nhất, hài lòng nhất. Nhưng người dân vẫn phải trực tiếp tiếp xúc với cán bộ cơ quan công quyền ở những địa điểm tiếp xúc hạn chế.
 
Với Quyết định số 45/2016, từ nay, người dân có thể thông qua các điểm bưu điện ở tận từng ngóc ngách của đất nước để thực hiện các thủ tục hành chính, tiến tới người dân sẽ có thể thực hiện thủ tục hành chính tại nhà với sự trợ giúp trực tiếp của nhân viên bưu điện. Mong Bưu điện thực hiện thật tốt vai trò cánh tay nối dài của nhà nước trong việc triển khai các thủ tục hành chính công.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý: “Trong số 124.355 thủ tục hành chính hiện nay, có khoảng 86% thủ tục hành chính cần phải được tiến tới cung cấp trực tuyến đến người dân. Trong số 86% này, mới có 5,1% cung cấp mức độ 3 (người dân điền mẫu hồ sơ gửi qua mạng, còn việc trả kết quả vẫn phải trực tiếp). Số dịch vụ công trực tuyến mức 4 (người dân lấy điền, nộp mẫu biểu trên mạng, thanh toán qua mạng, chỉ ở khâu kết quả cuối cùng thì vẫn có những vật phẩm có thể nhận trực tiếp hoặc qua bưu điện) mới được 0,9%”.
 
“Các cơ quan hành chính phải có kế hoạch cụ thể, công khai những dịch vụ công sẽ sử dụng qua bưu điện. Đây là việc rất khó khăn. Sẽ có những dịch vụ đụng chạm ngay tới cán bộ, công chức trong từng ngành, từng cấp. Nhưng vì thuận lợi của người dân, lợi ích chung của đất nước thì phải làm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
 
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cũng đánh giá cao dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích vì dịch vụ này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận được các cơ quan nhà nước, giải quyết, xử lý các thủ tục hành chính một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất, ngăn ngừa hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
 
“Việc ban hành Quyết định số 45 là vinh dự đồng thời là trách nhiệm rất lớn đối với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. 
 
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phải phấn đấu nỗ lực hết sức để thực hiện tốt nhiệm vụ được Thủ tướng giao, đồng thời tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện hơn nữa, kết hợp cả bưu chính với viễn thông, công nghệ thông tin để tạo thành nền bưu chính hiện đại, tiện lợi cho người dân. 
 
Bộ TT&TT cam kết phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương, tiếp tục chỉ đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất để triển khai đầy đủ, chính xác Quyết định số 45, nhằm cải tạo, thực hiện nền Bưu chính Việt Nam hiện đại, hướng tới người dân, vì nhân dân phục vụ”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
 
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Đỗ Ngọc Bình cam kết thời gian tới, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục làm tốt hơn nữa các dịch vụ công đã và đang triển khai. 
 
Đồng thời, Tổng công ty cũng tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ: Phối hợp hoàn thành khảo sát các thủ tục hành chính, chuẩn hóa quy trình dịch vụ, đề xuất ban hành các quy định dịch vụ, giá cước dịch vụ; Hoàn thiện hệ thống CNTT, cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến; Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hành chính công; Đào tạo hàng vạn cán bộ công nhân viên, người lao động trong Tổng Công ty, thực hiện đúng, đủ quy trình cung cấp dịch vụ hành chính công, đảm bảo đáp ứng điều kiện  cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan quản lý hành chính, đồng thời tuyên truyền để đông đảo người dân biết và sử dụng dịch vụ.
 
Tiết kiệm thời gian, chi phí làm thủ tục hành chính
 
Theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn sử dụng 1 trong 3 dịch vụ: Gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; Nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hoặc tại địa chỉ mà tổ chức, cá nhân yêu cầu.
 
Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực từ ngày 16/12/2016. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các dịch vụ hành chính công đã và đang triển khai (như: thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông; tiếp nhận hồ sơ, chuyển trả giấy phép lái xe cấp đổi qua bưu điện; chuyển phát hồ sơ và lệ phí xét tuyển đại học, cao đẳng; chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, chi trả trợ cấp người có công, thu thuế…), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp nhận hồ sơ, chuyển phát, trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân tại tất cả các điểm phục vụ.
 
Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ là cầu nối giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân và các tổ chức, doanh nghiệp; đồng hành cùng các cơ quan hành chính nhà nước, chia sẻ, hỗ trợ một số công việc và tạo thuận lợi để các cơ quan này có điều kiện tinh giản biên chế, tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
 
Đồng thời, giúp người dân và các tổ chức, doanh nghiệp không chỉ thuận lợi trong việc nộp hồ sơ, lệ phí và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính mà còn tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại.
 
Với tổng số 13.000 điểm giao dịch cấp xã, hơn 40.000 nhân viên trên phạm vi cả nước, Bưu điện Việt Nam sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính công.