Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 18/04/2024

Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT

28/11/2016 14:15 CH
20161128-Nam-6.jpg
Ông Hoàng Đăng Hải, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT phát biểu khai mạc Diễn đàn
 
Hội nghị lần này tập trung thảo luận 2 vấn đề là an ninh mạng và xã hội thông minh. Tham dự hội nghị có 120 đại biểu đến từ các nước ASEAN và Nhật Bản.
Ông Hoàng Đăng Hải, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, đây là hoạt động nhằm tăng cường sự hợp tác nghiên cứu giữa các viện nghiên cứu CNTT, viễn thông trong khu vực ASEAN để giải quyết những thách thức chung trong khu vực thông qua các công nghệ và ứng dụng CNTT&TT. Diễn đàn CNTT&TT ASEAN-IVO năm 2016 cũng tập trung thảo luận những vấn đề đang được khu vực quan tâm và tìm ra những giải pháp ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề trong khu vực. 
 
Ông Hoàng Đăng Hải cũng cho biết thêm, Hội thảo lần này còn tập trung được những ý kiến của những nhà nghiên cứu khoa học đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á với nhiều điểm tương đồng. Những ý tưởng được chia sẻ, giới thiệu tại đây không chỉ có giá trị tham khảo chia sẻ, mà sẽ được nghiên cứu để áp dụng vào cải thiện thực tế trong tương lai tại các quốc gia.
 
Ngoài ra, vấn an ninh mạng cùng với những giải pháp bảo đảm an ninh được cộng đồng CNTT các nước đặt lên hàng đầu. Khi xây dựng xã hội thông minh với Internet kết nối vạn vật, những ứng dụng thông minh được áp dụng để thay đổi cuộc sống tốt đẹp, tiện ích hơn, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải bảo đảm phát triển an toàn bền vững. Do vậy, vấn đề bảo đảm an ninh mạng và xây dựng xã hội thông minh có liên quan mật thiết với nhau và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội - ông Hoàng Đăng Hải nhấn mạnh.
 
Đối với chủ đề Xã hội thông minh, theo Ban tổ chức, các nhóm nghiên cứu có thể đề xuất các ý tưởng trong 3 lĩnh vực hẹp như: Cộng đồng thông minh - Ứng dụng CNTT trong chăm sóc y tế, hạn chế thảm họa thiên tai, CNTT xanh, tiết kiệm nhiên liệu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên…; Thành phố thông minh: Ứng dụng CNTT trong việc giải quyết các vấn đề do sự tăng trưởng dân số như giao thông, xây dựng, giải trí…; Nông thôn thông minh - Ứng dụng CNTT trong việc thu hẹp khoảng cách số tại các vùng nông thôn. 
 
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ TT&TT cho biết, CNTT được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm trong việc định hướng chiến lược dài hạn tại nhiều văn bản quan trọng, với những định hướng chủ yếu như: tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2015 - 2020; Nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số; TP.HCM và Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu; Phát triển nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực phần cứng - điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; Phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ CNTT chuyên nghiệp; và hỗ trợ xây dựng tối thiểu 7 Khu CNTT tập trung.
 
Ông Nguyễn Thanh Tuyên cũng nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT trong thời gian tới do Đảng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp CNTT, cụ thể như: việc thuê  dịch vụ CNTT đã được Nhà nước chủ trương thí điểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp CNTT tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, tiềm năng về hạ tầng người dùng viễn thông và xã hội, nhu cầu học tập của người Việt ngày càng tăng và xu hướng công nghệ mới như IoT, Big data, Mobility,…sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. 
 
Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển ngành như: xây dựng các sản phẩm CNTT trọng điểm nhằm tập trung phát triển và thúc đẩy cạnh tranh; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng, chuẩn hóa các quy trình sản xuất, quản lý chất lượng…; xây dựng hệ thống đánh giá, sát hạch đạt chuẩn và nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho nhân lực CNTT; tăng cường quảng bá và xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và các nước./.