Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Còn nhiều biên tập viên nhà xuất bản mắc “bệnh văn phòng”

18/11/2016 14:37 CH
20161118-Nam-2.jpg
Hội thảo thu hút sự tham gia của rất nhiều lãnh đạo, biên tập viên các nhà xuất bản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành nhấn mạnh: “Công tác biên tập chính là mắt xích quyết định chất lượng hoạt động xuất bản của một đơn vị, một dân tộc, một quốc gia. Người làm công tác biên tập là nhân tố quyết định sự thành bại của ngành xuất bản. Việc quan tâm sinh hoạt nghiệp vụ cho biên tập viên trong ngành xuất bản là việc rất quan trọng”.
 
“Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT tổ chức hội thảo về công tác biên tập xuất bản, song sẽ cố gắng để hội thảo trở thành hoạt động thường kỳ ít nhất 1 – 2 lần/năm”, Cục trưởng Chu Văn Hòa cho biết thêm.
 
Một trong những mục đích của hội thảo về công tác biên tập xuất bản trong tình hình mới lần này là đánh giá toàn diện về thực trạng công tác biên tập; kiến nghị, đề xuất chương trình đào tạo phù hợp tình hình thực tiễn đối với các cơ sở đào tạo có chuyên ngành biên tập xuất bản, cũng như chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để cập nhật thông tin, hướng dẫn những quy định mới của pháp luật, những điều cần lưu ý trong công tác biên tập gắn với sự phát triển của đất nước.
 
Theo Cục Xuất bản – In và Phát hành, khảo sát thực tế hiện nay ở 60 nhà xuất bản, số lượng biên tập viên là 1.159 người, chiếm 20,7% trong tổng số 5.601 lao động. 100% biên tập viên của các nhà xuất bản có trình độ đại học trở lên.
 
Lực lượng biên tập viên hầu hết được đào tạo theo chuyên ngành, có kiến thức chuyên ngành sâu, có phông kiến thức xã hội rộng. Tuy nhiên, về nghiệp vụ, kỹ năng biên tập phần lớn lại được đào tạo theo phương thức truyền nghề, kết hợp khai thác và phát huy những học hỏi từ bản thân, vì thế, nhiều người không áp dụng được kiến thức mình có vào công tác biên tập và một số công đoạn khác.
 
Công tác đào tạo nguồn nhân lực biên tập viên xuất bản ngày càng được chú trọng tăng cường, đáp ứng sự gia tăng số lượng các nhà xuất bản và chất lượng của xuất bản phẩm. Đội ngũ cán bộ, biên tập viên ngày càng được tiếp cận với công nghệ tiên tiến.
 
Tuy nhiên, nhìn chung, đội ngũ biên tập viên vẫn còn hạn chế cả về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị. Trình độ của đội ngũ biên tập viên ở các nhà xuất bản tổng hợp còn khập khiễng, không đồng đều nên khó đảm bảo chất lượng xuất bản phẩm có nội dung đa lĩnh vực hoặc liên quan đến nhiều phạm trù xã hội.
 
Đáng chú ý, tiêu chuẩn chức danh biên tập còn chưa được chuẩn hóa, dẫn đến việc nhiều nhà xuất bản áp dụng tiêu chuẩn không rõ ràng khi tuyển dụng, bố trí và đề bạt cán bộ biên tập.
 
Bàn về những ưu điểm cũng như hạn chế của các biên tập viên của các nhà xuất bản, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhận định: “Tuổi đời trung bình của biên tập viên hiện nay trẻ hơn nhiều so với những người làm biên tập vài chục năm trước đây, nên có khả năng nhanh nhạy trong việc nắm bắt những yếu tố mới. Nhưng nhiều biên tập viên có kiến thức xã hội, kiến thức chuyên ngành còn mỏng.
 
Đặc biệt, nhiều biên tập viên vẫn có tư duy xa rời thực tiễn, ngại tiếp xúc với thị trường xuất bản, mắc “bệnh văn phòng”, chưa nắm bắt được nhu cầu của xã hội, chưa đề xuất được đề tài và tổ chức được các bản thảo có chất lượng, phù hợp với nhu cầu xã hội”.
 
Một số khó khăn, vướng mắc dẫn tới hiện trạng nêu trên cũng đã được ông Nguyễn Văn Tùng chỉ rõ: Nhiều nhà xuất bản hiện nay đang ở trong hình hình phát triển yếu, do đó, thu nhập của biên tập viên hầu hết là thấp, những người giỏi khó có thể gắn bó lâu dài với nghề; Biên tập viên của các nhà xuất bản hiện nay đều là nhân viên doanh nghiệp, vì thế, việc tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, quản lý như trung cấp chính trị, cao cấp chính trị, quản lý nhà nước... gặp nhiều khó khăn, trong khi đó, việc thi nâng ngạch, bổ nhiệm theo quy định của nhà nước lại cần những bằng cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng này.