OTT chưa…bị “nắm tóc”

Thứ hai, 15/12/2014 - 11:12

Dịch vụ ứng dụng OTT thêm một lần nữa được xới lên tại Ngày Internet Việt nam diễn ra tại TPHCM mà tâm điểm cũng không có gì mới hơn trước: Các ứng dụng OTT đang cạnh tranh bất bình đẳng với doanh nghiệp viễn thông.


Cần sớm có khung pháp lý cho các hoạt động của ứng dụng OTT

Các OTT như Viber, Zalo, Facebook Messenger, LINE…lấy đi một phần doanh thu dịch vụ thoại và SMS của nhà mạng là điều đã quá rõ và cũng đã được tô đậm trên công luận trong suốt khoảng 2 năm qua. Năm 2013, dịch vụ thoại và SMS của các nhà mạng được cho rằng đã suy giảm về doanh thu lần lượt là khoảng 3-4% và 10-12%. Chỉ tính riêng Zalo, lượng người dùng đến nay đã cán mức 20 triệu, còn lượng người dùng Viber được cho rằng khoảng 10 triệu…cho thấy một xu thế mất doanh thu của nhà mạng sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Gần đây, nhiều người dùng đã phản ánh rằng Facebook Messenger đã bị nhà mạng “lúc thắt lúc mở” khi dựa vào sóng 3G. Việc nhà mạng hành xử như vậy, suy cho cùng cũng có lí do của họ. Nhà mạng đầu tư hàng ngàn tỉ đồng vào hạ tầng mạng 3G. Khi các nhà cung cấp ứng dụng OTT dựa vào mạng 3G phát triển được hàng chục triệu thuê bao, tạo ra cộng đồng rộng lớn sẽ đem lại nguồn thu về quảng cáo, truyền thông, game.v.v…mà không có sự chia sẻ quyền lợi là chưa sòng phẳng.

Cục Viễn thông đã có dự thảo Thông tư quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet (OTT). Tuy nhiên, riêng đối với các điều khoản dịch vụ OTT không thu phí phải hợp tác với nhà mạng, cần có qui định rõ hơn về hướng chia sẻ lợi ích ra sao, nếu không nhà mạng sẽ tiếp tục “lờ lững” và phía OTT cũng sẽ “lơ là”. Để dịch vụ OTT phát triển bền vững với chất lượng ổn định trên nền sóng 3G hoặc 4G, 5G trong tương lai, không thể không có sự hợp tác hai bên cùng có lợi giữa OTT với nhà mạng.

Nhưng vấn đề về an ninh, bảo mật thông tin của người dùng và tin nhắn rác từ các OTT có lẽ chưa được đặt ra đúng mức. Đơn cử những OTT của nước ngoài được đưa vào khai thác tại thị trường Việt Nam như Viber chẳng hạn, thời gian qua phát ra tin nhắn rác ồ ạt nhưng cũng chưa thấy cơ quan chức năng xử lí. Hay việc những ứng dụng này liên tục thu thập thông tin cá nhân của người dùng cần phải có qui định chế tài như thế nào cho chặt chẽ. Bởi nếu như Zalo, hay Btalk, là doanh nghiệp trong nước có đăng kí hoạt động kinh doanh thì còn dễ “nắm”, còn những ứng dụng OTT của nước ngoài như Viber chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam, thì việc gắn trách nhiệm trong xử lí các vụ việc xảy ra hệ lụy cũng chỉ ở mức độ hạn chế.
 
Thế Lâm(Lao Động)