VNPT chuyển 1,7 vạn nhân viên sang khối kinh doanh

Thứ hai, 08/12/2014 - 11:59

Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, VNPT đã chuyển 1,7 vạn trên tổng số 3,6 vạn lao động của viễn thông tỉnh, thành sang khối kinh doanh và hoàn thành việc tái cơ cấu ở 63 viễn thông tỉnh, thành phố.


VNPT đã chuyển 1,7 vạn trên tổng số 3,6 vạn lao động của viễn thông tỉnh, thành được chuyển sang khối kinh doanh.

Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, đã hoàn thành việc tái cơ cấu 63 viễn thông tỉnh, thành phố và chuyển 1,7 vạn trên tổng số 3,6 vạn lao động sang khối kinh doanh. Sau khi được sắp xếp lại, các viễn thông tỉnh, thành đang hoạt động khá tốt theo mô hình mới.

Ông Trần Mạnh Hùng kiến nghị Bộ TT&&TT thúc đẩy sớm để Chính phủ phê duyệt phương án thành lập 3 Tổng công ty từ 1/1/2015. Nếu thành lập các Tổng công ty mới vào đúng thời điểm này sẽ thuận lợi theo năm tài chính. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cho phép VNPT được sắp xếp trước một số công ty dọc nhằm rút ngắn thời gian trong khi chờ đợi quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời vấn đề này của VNPT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan để lập Đề án thành lập 3 Tổng công ty thuộc VNPT trình Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Theo Quyết định số 888 ban hành ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015 thì 3 đơn vị gồm VNPT Net, VNPT Media, VNPT VinaPhone sẽ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên. Tuy nhiên, nếu đưa 3 Công ty TNHH Một thành viên này thành 3 Tổng công ty thì VNPT mới có bộ máy tương đồng như Viettel nhằm cạnh tranh bình đẳng về mọi mặt, trong đó có tổ chức.

“VNPT cần phấn đấu đạt mục tiêu trở thành tập đoàn viễn thông - CNTT hàng đầu quốc gia, cung cấp đa dạng, đồng bộ giải pháp dịch vụ CNTT-TT với chất lượng cao, giá thành hợp lý, trên cơ sở cạnh tranh theo đúng yêu cầu đa dạng của cuộc sống và người tiêu dùng. VNPT sẽ phát triển kinh doanh các nhóm loại hình gồm: dịch vụ di động, băng rộng, cố định, dịch vụ giá trị gia tăng CNTT, dịch vụ truyền thông, công nghiệp viễn thông, CNTT… VNPT cần giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam, góp phần hình thành thị trường viễn thông bền vững, có sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Trao đổi với ICTnews, ông Trần Mạnh Hùng cho biết, bộ máy của VNPT đã bắt đầu chuyển động tốt sau khi áp dụng cơ chế quản lý mới bằng biện pháp kinh tế. Trong đó, VNPT giao quyền chủ động cho các VNPT địa phương tự quyết về sử dụng vốn đầu tư khả dụng mà Tập đoàn giao hàng năm theo các định hướng phát triển của Tập đoàn. Như vậy, các đơn vị địa phương phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh vốn đầu tư của mình. Tập đoàn tập trung giám sát chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của đơn vị. Với cơ chế giao vốn đầu tư như vậy, Tập đoàn sẽ loại bỏ được cơ chế “xin-cho” và các đơn vị linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh nhịp đầu tư theo thị trường.

Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, với cơ cấu mới của VNPT, các đơn vị viễn thông tỉnh, thành sẽ tách riêng phần kinh doanh, bán hàng và mạng lưới. Hiện đã có hơn 20 đơn vị thực hiện tách phần kinh doanh, bán hàng theo cơ cấu mới. Khi viễn thông tỉnh, thành tách phần kinh doanh và mạng lưới thì tất cả các cơ chế kinh tế này sẽ chuyển từ cơ chế nội bộ sang cơ chế hạch toán độc lập.

Ông Trần Mạnh Hùng khẳng định, áp dụng cơ chế quản lý mới sẽ không còn chuyện làm giám đốc cho đến khi nghỉ hưu. Thay vào đó là người đứng đầu các đơn vị nếu không đảm bảo hiệu quả kinh doanh sẽ phải miễn nhiệm để tìm kiếm những người có năng lực thay thế. Cơ chế này sẽ tạo động lực cho tất cả các đơn vị trong VNPT phấn đấu sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
 
Thái Khang(ICTNews)