Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 18/05/2024

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản Dự thảo Báo cáo đánh giá sơ kết thi hành Luật Tần số vô tuyến điện

Các ý kiến đóng góp

MỞ ĐẦU
 
Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 19/2009/L-CTN ngày 04/12/2009 có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển ngành vô tuyến điện, đánh dấu một mốc quan trọng về sự nỗ lực của ngành thông tin và truyền thông nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho một lĩnh vực  quan trọng của đất nước.

Sau 5 năm áp dụng, Luật Tần số vô tuyến điện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện ở nước ta.

Báo cáo sơ kết Luật tần số vô tuyến điện nhằm đánh giá những mục tiêu, kết quả đã đạt được sau 5 năm thi hành Luật, đồng thời đánh giá những vấn đề còn tồn tại, bất cập cần điều chỉnh để ngành thông tin truyền thông tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.
 
Phần I
BỐI CẢNH XÂY DỰNG VÀ NHỮNG MỤC TIÊU, CHÍNH SÁCH LỚN CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN


 
1. Bối cảnh xây dựng Luật Tần số vô tuyến điện

Luật tần số vô tuyến điện được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Các yêu cầu về minh bạch hoá các chính sách quản lý, cấp phép tài nguyên tần số vô tuyến điện; qui định rõ trách nhiệm và mối quan hệ pháp lý giữa các đối tượng chịu sự quản lý với nhau, cũng như yêu cầu về xác định trách nhiệm phối hợp tần số quốc tế đối với doanh nghiệp viễn thông để bảo vệ chủ quyền Việt Nam đã được đặt ra khi xây dựng luật. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh là hai lĩnh vực sử dụng một lượng lớn phổ tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông vẫn còn chưa được quy định chặt chẽ, nên quá trình quản lý, phối hợp sử dụng tần số vô tuyến điện giữa các Bộ, ngành còn gặp khó khăn.

2. Những mục tiêu, chính sách quan trọng được quy định ở Luật

Luật Tần số vô tuyến điện đã khắc phục được những hạn chế của các quy phạm trước  đây, kế thừa và pháp điển hoá các quy định còn phù hợp với thực tiễn, đồng thời bổ sung một số nội dung mới để giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý và đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.

2.1. Luật Tần số vô tuyến điện phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, Cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc quản lý tần số vô tuyến điện; xác định vị trí của Thanh tra chuyên ngành tần số vô tuyến điện nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện và phù hợp với cam kết của Việt Nam gia nhập WTO về việc minh bạch chính sách quản lý và thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành.

Đồng thời Luật cũng quy định việc quản lý tần số trong an ninh, quốc phòng thông qua cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm thống nhất quản lý việc sử dụng tần số của hai Bộ và tạo thuận lợi cho việc phối hợp giữa các Bộ ngành.

2.2. Thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số.

Các quy định mới về quy hoạch tần số, nguyên tắc cấp phép sử dụng tần số của Luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới có hiệu quả sử dụng tần số cao hơn, dành băng tần cho các công nghệ và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế xã hội nhiều hơn cho cộng đồng, đồng thời cũng sẽ hạn chế việc sử dụng băng tần quý hiếm cho các công nghệ lạc hậu kéo dài gây lãng phí tần nguồn tài nguyên tần số.

2.3. Thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến.

Luật bổ sung hình thức cấp phép theo cơ chế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng trong trường hợp cấp phép bằng phương thức đấu giá. Những quy định mới này nhằm mục đích lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thực sự, cung cấp dịch vụ tốt nhất, sử dụng hiệu quả tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện. Tính minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm sẽ cao hơn. Thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến điện sẽ trở nên lành mạnh và có tính cạnh tranh thực sự. 
 
2.4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục

Để đẩy mạnh cải cách hành chính và đơn giản thủ tục, những quy định của Luật về phương thức cấp phép, điều kiện được cấp phép hoặc cho phép cho thuê, cho mượn thiết bị trong một số trường hợp đã tạo điều kiện linh hoạt cho việc sử dụng tần số của người sử dụng, mở rộng các băng tần sử dụng chung không cần cấp phép nhưng vẫn đảm bảo mục đích  hiệu quả, an toàn trong việc sử dụng phổ tần.

2.5. Tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

Các quy định về đăng ký, phối hợp quốc tế, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp, của cơ quan quản lý tần số chuyên ngành trong công tác phối hợp, đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh để bảo vệ tốt hơn chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam về tần số và quỹ đạo vệ tinh.

2.6. Tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện.

Luật Tần số vô tuyến điện đưa ra các qui định về việc tuân thủ các qui chuẩn an toàn bức xạ vô tuyến điện và yêu cầu phải kiểm định các công trình phát sóng VTĐ trước khi đưa vào sử dụng nhằm bảo đảm mức độ an toàn về bức xạ điện từ cần đạt được. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, trách nhiệm của người sử dụng trong vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ điện từ
 
 
Phần II
TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
 
1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật
 
Luật Tần số vô tuyến điện là một trong những Luật xây dựng theo hướng quy định tương đối cụ thể, không cần Nghị định hướng dẫn. Rất nhiều điều khoản quy định trong Luật, có thể áp dụng trực tiếp; đối với những nội dung mới, hoặc những nội dung quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn…, thì Luật giao cho Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ ngành có liên quan quy định. Vì vậy, có thể nói rằng, Luật tần số vô tuyến điện đã đi vào cuộc sống rất sớm, ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
 
Để xem toàn văn dự thảo báo cáo, vui lòng tải về tại đây.